Thiết lập chương trình thu hút nhà nghiên cứu về nước mang tên “The Balik Scientist Act” và triển khai hệ thống Hội thảo khoa học vùng (Regional Scientific Meeting RSM), Bộ KH&CN Philippines đang chứng tỏ nỗ lực thúc đẩy nền khoa học vượt qua khó khăn trong hiện tại.

Khó khăn đầu tiên mà người ta có thể thấy ở khoa học Philippines chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu năm 2013 của UNESCO - tổ chức văn hóa, giáo dục và khoa học Liên hợp quốc, cứ một triệu người dân Philippines mới có 189 nhà khoa học trong khi tiêu chuẩn của UNESCO quy định, trong mỗi quốc gia cần phải có ít nhất 380 nhà khoa học trên 1 triệu dân. Nếu so sánh với một số quốc gia có thể thấy con số quá chênh lệch: Malaysia có 2.000 nhà khoa học trên 1 triệu dân, Hàn Quốc - nền khoa học đang phát triển rất nhanh, còn gấp đôi Malaysia: 5.300 nhà khoa học trên 1 triệu dân.

Khó khăn thứ hai mà Philippines đang phải đối mặt là tỷ lệ đầu tư cho R&D tính theo GDP tiếp tục thấp hơn con số 1% - mức chuẩn của UNESCO, và thấp hơn nhiều so với mức đầu tư cho R&D của nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Theo số liệu năm 2013 từ World Bank, Philippines dành khoảng 0.14% GDP cho R&D và Bộ KH&CN nước này cho biết, tổng kinh phí đầu tư tăng lên theo mỗi năm, tuy nhiên vẫn chưa thể vượt quá con số 1%.

Hai khó khăn này đã trở thành nguyên nhân chính khiến khoa học Philippines nhiều năm qua vẫn ở trong tình trạng trì trệ, số lượng công bố thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu yếu kém, do đó dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám. Nhiều nhà nghiên cứu trẻ Philippines ra nước ngoài nghiên cứu và không trở về nước nữa. Chọn cách về nước như TS. Reina Reyes - nhà nghiên cứu vật lý thiên văn có công bố trên Nature năm 2010 về các dải thiên hà cách xa nhau 3,5 tỉ năm ánh sáng đã được kết nhóm lại với nhau đúng như Thuyết tương đối dự đoán, là một trong số những trường hợp hết sức hiếm hoi.

Khoa học Philippines cần được đầu tư về nhân lực và cả cơ sở vật chất.
Nguồn: philcare.com.ph

Kêu gọi nhà khoa học hồi hương

“The Batik Scientist Act” của Bộ KH&CN Philippines đã được Thượng nghị viện thông qua vào đầu tháng 3/2018 và sau đó được đệ trình lên tổng thống Rodrigo Duterte. Đây là phần mở rộng của The Batik Scientist Programme từng được quốc gia này áp dụng vào giữa những năm 1970 nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu trở về để hỗ trợ phát triển khoa học trong nước và đóng góp vào nền kinh tế.

Theo ông Joey Salceda - một trong những tác giả chính của chương trình, mục đích chính của “The Batik Scientist Act” là sẽ ưu tiên các chuyên gia tại các lĩnh vực nghiên cứu mà Philippines đang mong muốn thúc đẩy để tạo đột phá như vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật y sinh, năng lượng trong nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông, an ninh mạng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, y tế, dược phẩm, hệ gene, công nghệ nano, điện tử và bán dẫn.

Theo những ưu tiên mà chương trình đem lại, các nhà khoa học Philippines ở nước ngoài trở về nước làm việc trong thời gian ngắn sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, có bảo hiểm y tế và được điều trị miễn phí (nếu bị ốm hoặc tai nạn), được cấp chi phí thực hiện các dự án khoa học mà họ thực hiện trong nước, miễn thuế nhập các hóa chất vật tư và thiết bị phục vụ nghiên cứu.

Trong trường hợp trở về nước làm việc trong thời gian dài hoặc định cư vĩnh viễn, chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học được hưởng thêm môt số quyền lợi khác như đảm bảo cơ hội việc làm cho vợ/chồng, trợ cấp học phí cho con, trợ cấp kinh phí tái định cư, trợ cấp nhà ở và tài trợ cho việc thành lập và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu như phòng thí nghiệm.

Gắn kết nghiên cứu với sản xuất

Bên cạnh chương trình khuyến khích nhà khoa học hồi hương, Bộ KH&CN đang bắt đầu một sáng kiến ​​khác nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Ra mắt vào giữa tháng 2/2018, chương trình Đổi mới sáng tạo kinh doanh Philippines (Filipinnovation Entrepreneurship Corps) đã tạo điều kiện đưa các nhà nghiên cứu vào các nhóm doanh nghiệp tư nhân và các chuyên gia, tham gia một khóa huấn luyện kéo dài một tháng. Họ được các chuyên gia từ Đại học George Washington và Đại học John Hopkins Mỹ trực tiếp giảng dạy, qua đó giúp họ có thể xác định giá trị thương mại và ý nghĩa xã hội trong nghiên cứu của mình cũng như việc tìm các đối tác chiến lược để thực hiện ý tưởng nghiên cứu.

Mặt khác, để tạo điều kiện chuyển giao công nghệ trong các trường, viện cho các doanh nghiệp, Bộ KH&CN Philippines nhận thấy cần tổ chức các hội nghị hoặc diễn đàn công nghệ ở các vùng. “Đây là điều quan trọng bởi vì, thứ nhất, nó hỗ trợ sự phát triển của khu vực nông thôn; thứ hai, công nghệ có thể đem lại lợi ích nếu được sử dụng”, ông Engineer Sancho A. Mabborang – giám đốc phụ trách vùng Cagayan Valley của Bộ KH&CN, cho biết trong khuôn khổ một hội nghị vùng Luzon vào cuối tháng 5/2018.

Theo Mabborang, tại các hội nghị vùng có thể trình bày về nhiều vấn đề và nhiều mối quan tâm khác nhau của cộng đồng khoa học, như thành phố thông minh, chất lượng nước và quản lý nước thải đô thị, các hệ sinh thái công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển ngành đường sắt... Và các bên tham gia như chính quyền địa phương, doanh nghiệp… sẽ thấy ở đó những cơ hội, những công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ sự phát triển của địa phương cũng như doanh nghiệp của họ.