Theo kế hoạch số 221/KH-UBND về thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký ban hành, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành đề xuất các chương trình, dự án cải tạo và làm sạch nguồn nước, phục hồi môi trường các tuyến sông đang bị cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng như: sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy…
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch cải tạo, phục hồi chất lượng, trữ lượng nước ngầm; nghiên cứu xây dựng bản đồ ô nhiễm nước ngầm, bản đồ các khu vực hạn chế và cấm khai thác nước ngầm trên phạm vi toàn thành phố.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa cải tạo hồ và xây dựng một số “hồ điều hòa” kết hợp với công viên xanh nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước cho sông Nhuệ, sông Đáy; bảo vệ hợp lý nguồn tài nguyên nước mặt.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước phát triển trên thế giới trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được huy động từ vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, cá nhân trong và nước ngoài trên địa bàn Thủ đô.