Từ trường của Trái đất đang dần suy yếu trong một khu vực trải dài từ châu Phi đến Nam Mỹ, khiến hoạt động của một số vệ tinh trên quỹ đạo bị ảnh hưởng.

Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương (màu xanh dương). Ảnh: DTU Space.
Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương (màu xanh dương). Ảnh: DTU Space.

Để tìm hiểu nguyên nhân, các nhà khoa học phân tích dữ liệu từ chùm vệ tinh Swarm của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) về khu vực này – nơi được gọi là “Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương”.

Kết quả cho thấy từ năm 1970 đến năm 2020, cường độ từ trường tối tiểu trong khu vực giảm từ khoảng 24.000 nanotesla (nT) xuống còn 22.000 nanotesla. Thêm vào đó, vùng dị thường ngày càng mở rộng và dịch chuyển về phía Tây với tốc độ khoảng 20 km mỗi năm.

Trong 200 năm qua, từ trường trung bình toàn cầu yếu đi 9%. Các nhà nghiên cứu suy đoán, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trái đất đang hướng tới sự kiện đảo ngược cực từ, trong đó các cực từ Bắc và Nam chuyển vị trí.

Hiện tượng đảo ngược cực từ liên quan đến sự thay đổi chuyển động của kim loại lỏng trong lõi Trái đất. Mặc dù điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng thực tế nó đã xảy ra trong lịch sử của Trái đất theo chu kỳ 250.000 năm một lần.