Voọc mũi hếch là một trong 25 loài linh trưởng có tên trong Sách đỏ thế giới, là “hoa khôi” của loài voọc. Đây có lẽ cũng là lý do khiến một thợ săn khét tiếng ở Hà Giang quyết định “gác kiếm”, trở thành người bảo vệ các “hoa khôi” đặc biệt này.

Theo Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), hiện toàn cầu còn khoảng 250 con voọc mũi hếch, thuộc 4 loài khác nhau, trong đó 3 loài đang sinh sống ở Trung Quốc và loài thứ tư là voọc mũi hếch - loài được cho là quý hiếm nhất - chỉ duy nhất có ở Việt Nam.

Ông Đán Văn Hoan và các thành viên tổ tuần tra bảo vệ voọc mũi hếch. Ảnh: V.T.

Ranh giới đẳng cấp

Trước đó, năm 2002, khi tiến hành nghiên cứu, khảo sát ở khu vực rừng Khau Ca, các nhà khoa học đã phát hiện ra một quần thể voọc mũi hếch, với khoảng 100 con lớn nhỏ. Đây là cơ sở để Hà Giang thành lập khu bảo tồn Khau Ca thuộc các huyện Vị Xuyên, Bắc Mê.

Tôi bảo vệ voọc vì muốn chuộc lại những lỗi lầm trước đây đã gây ra với các nàng “hoa khôi” và muốn bảo vệ loài vật quý hiếm này”.

Anh Đán Văn Khoan

Loài voọc quý hiếm là thế, nhưng ít ai biết được rằng, gần 20 năm về trước các thợ săn đã thi nhau hạ sát voọc, đẩy loài vật này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chỉ để thỏa mãn thú vui và so tài… bắn súng. Trong đó, Đán Văn Khoan (thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên) là một trong các xạ thủ khét tiếng, khi 10 năm có tới 20 “hoa hậu” voọc mũi hếch gục ngã dưới họng súng của anh ta.

Đến đây, chắc hẳn ai cũng trách Khoan. Hỏi Khoan, anh cúi đầu bảo: “Ở đời ai chẳng có lúc mắc sai lầm. Quan trọng là sửa sai như thế nào. Tôi đau lắm, hối hận lắm”. Điều gì đã khiến một xạ thủ thay đổi 180 độ như vậy?

Rót nước mời khách, Khoan kể, lúc 12 tuổi anh đã biết đi săn, khi đó súng chưa bị cấm nên khi thì dùng súng K44, khi mang súng kíp vào rừng săn bắn. Thời điểm ấy, voọc nhiều vô kể, có đàn cả vài trăm con, chúng xuống cả vườn dân để hái trộm bí, ngô... Chưa có phong trào ngâm rượu, nấu cao voọc, khỉ như bây giờ, nên người ta bắn voọc chủ yếu là lấy thịt. “Nhưng phải nói thịt voọc không ngon, nhiều khi bắn voọc chỉ vì chúng hay xuống phá vườn. Và vì loại này rất tinh, nên không phải ai cũng bắn được, hạ được voọc là một vinh dự, thể hiện đẳng cấp của thợ săn, vậy là các xạ thủ đua nhau hạ voọc để lấy thành tích!” – Khoan lý giải.

Với màu lông trắng mây, pha đen, môi đỏ căng mọng, trông voọc mũi hếch rất đáng yêu. Ảnh: V.T.

Khoan còn nhớ như in, con voọc đầu tiên bị anh hạ vào năm 1988 bằng súng kíp, đây là con voọc đầu đàn nặng gần 30kg, nó đang ngồi trên cây cao canh cho cả đàn ăn thì bị dính đạn. Khi anh vác voọc về, dân bản chào đón chẳng khác nào vận động viên bắn súng vừa đoạt Huy chương Vàng trở về. Sung sướng, tự hào, từ lần đó ngày nào anh cũng vào rừng rình hạ voọc.

“Khoảng năm 1996, tôi bắn rụng con voọc cái. Lúc buộc đòn khênh về, mắt nó cứ trừng trừng nhìn tôi, về mổ ra thấy 4 con non, dân làng xin về ngâm rượu hết. Hôm sau tôi ốm vật mấy ngày liền…” - Khoan kể lại.

Hoàn lương bảo vệ voọc mũi hếch

Tạm dừng câu chuyện với tôi, Khoan đứng dậy thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, lẩm nhẩm khấn tổ tiên, thần núi và họ hàng của loài voọc, khỉ xin hãy tha thứ cho anh. “Giờ có thuê tiền tỷ, tôi cũng chẳng đủ can đảm hạ một con voọc nào nữa. Càng ngắm càng thấy chúng đáng yêu, vừa rồi tôi đi tuần gặp một voọc con, nhìn nó học chuyền cành mà quên hết mệt mỏi!” – anh Khoan cười hiền.

Voọc đầu đàn thường đứng ở trên cao canh cho cả đàn ăn, khi thấy nguy hiểm nó sẽ hét lên báo động cho cả đàn chạy vào hang. Ảnh: V.T.

Năm 2002, được sự giúp đỡ của FFI, UBND tỉnh Hà Giang đã thành lập Khu bảo tồn Khau Ca. Để bảo vệ voọc, họ đã khoanh vùng, thành lập đội tuần tra, đồng thời “chiêu mộ” anh Khoan và anh Đán Văn Hùng - cũng là một thợ săn về làm bảo vệ. Hay tin 2 thợ săn nhận nhiệm vụ, nhiều người xì xào rằng: “Giao trứng cho ác”. Nghe vậy, Khoan và Hùng buồn lắm, nhưng chẳng dám nói ra, mà chỉ bảo nhau cố làm việc tốt để bảo vệ voọc…

Kể từ đó đến nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, khi chim rừng còn đang ngủ, Khoan và Hùng đã vào rừng. Bởi theo Khoan, voọc thường đi ăn rất sớm, đây là lúc kẻ xấu dễ lợi dụng bắn hạ voọc nhất. Mỗi ngày các anh phải leo hàng chục km từ núi này sang núi nọ, chân tay trầy xước và đau nhức, nốt muỗi, vắt rừng cắn chi chít.

Nguy hiểm, vất vả là thế, nhưng khi hỏi về thù lao, anh Khoan bảo mỗi tháng anh được nhận 1,2 triệu đồng. Với số tiền này có khi không đủ tiền ăn, nên các anh phải hái thêm rau rừng, nấm, bắt ốc đá, thậm chí bẫy chuột bán để có thêm thức ăn, thu nhập. Dẫu vậy, anh chưa bao giờ có ý định bỏ công việc này.