Trong thời đại kỹ thuật số, cách chúng ta đọc và hiểu văn bản cũng như sản sinh ra kiến thức đã thay đổi. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Carl von Ossietzky Oldenburg và Đại học Erlangen-Nürnberg (FAU), Đức hiện đang nghiên cứu cách thiết kế mới đối với chương trình giảng dạy ở bậc đại học trong thời đại kỹ thuật số.


Cách thức sinh viên tiếp cận với tài liệu đã thay đổi. Nguồn: footage.framepool.com

Dự án nghiên cứu “Phân tích người đọc’ như một công cụ học tập chiến lược trong tự đánh giá hành vi đọc” được Sáng kiến thúc đẩy giáo dục Stifteverband và Quỹ DATEV tài trợ với kinh phí 30.000 euro như một phần của chương trình “Học bổng cho đổi mới sáng tạo trong giảng dạy đại học”.

Các văn bản dài là nguồn quan trọng để có được kiến thức và tăng khả năng học thuật của một người. Nhận biết được các phần quan trọng nhất của một văn bản học thuật, tạo ra các kết nối, sắp xếp, đánh giá những gì đang đọc và ý nghĩa của nó trong bối cảnh của các văn bản khác và rút ra ra kết luận…. đều là các kỹ năng quan trọng đối với giáo dục đại học. Tuy nhiên, hiện tại cả giảng viên và sinh viên đều trải nghiệm sự khác biệt giữa kỹ năng đọc mà họ có được trong hoạt động hằng ngày với yêu cầu đọc hiểu các bài giảng ở đại học – nói cách khác, đó là những phẩm chất cốt lõi và kỹ năng đọc phù hợp với bậc đại học.

“Việc lớn lên trong một thế giới tràn ngập các phương tiện kỹ thuật số đa dạng dẫn đến sự thay đổi chung trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông và do đó, thay đổi hành vi đọc”, TS. Axel Kuhn, nhà nghiên cứu về sách và văn hóa đọc tại FAU, nói. Ví dụ các thế hệ trẻ chủ yếu học những cách hướng đến việc tìm kiếm thông tin nhiều hơn hoặc nhanh chóng đạt được một cái nhìn tổng quan về nội dung của các văn bản. Theo cách này, thông tin có thể được thu thập một cách nhanh chóng từ internet nhưng không thể so sánh được với kiến thức thu được từ việc đọc văn bản thông thường.

Do đó, TS Axel Kuhn đã phối hợp với TS. Christian Fritz-Hoffmann, một chuyên gia về phương pháp giảng dạy cho khoa học xã hội tại Đại học Oldenburg để tìm cách ứng phó với sự thay đổi này. Theo sát các thói quen sử dụng phương tiện truyền thông, nơi họ thường xuyên truy cập và tải các nội dung kỹ thuật số, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ Phân tích người đọc (Reader Analytics), công cụ lần đầu tiên được sử dụng trong trường đại học. Từ trước đến nay, công cụ này mới chỉ được sử dụng trong các nhà xuất bản.

Sử dụng các thiết bị đọc di động và phần mềm liên quan, thói quen đọc và quá trình đọc của sinh viên được ghi lại chi tiết, ví dụ sinh viên đọc văn bản phục vụ việc học của mình vào thời gian nào trong ngày, ở địa điểm nào hoặc trong trường hợp nào? họ thường ngừng đọc tại những điểm, hoặc điểm nào khiến họ mất nhiều thời gian, điểm nào họ lướt qua? họ đánh dấu và ghi lại nhận xét ở những chỗ nào và bằng cách nào? Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hành vi đọc ảnh hưởng đến việc hiểu văn bản như thế nào?

Bước tiếp theo nữa sẽ liên quan đến việc đưa ra một quan điểm đào tạo sinh viên. “Thông qua Reader Analytics, sinh viên có thể học được cách đọc để phục vụ việc học tập trong trường đại học, cách lập kế hoạch, cách áp dụng việc đọc như một công cụ học tập, cách đánh giá và giám sát việc đọc”, Kuhn giải thích. Phương thức này cũng bao gồm kiến thức cơ bản về Quy định bảo vệ dữ liệu chung và các quyền cá nhân được quy định trong Hiến pháp Đức.
Dự án nghiên cứu liên ngành này tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau như phương pháp giảng dạy, nghiên cứu việc đọc, phương pháp giảng dạy đại học và khoa học máy tính. “Mục đích của dự án là giúp sinh viên có thể đánh giá tốt hơn hành vi đọc của chính họ mà không cần sử dụng các cơ chế kiểm soát bên ngoài”, Kuhn nói. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu dự định phát triển các công cụ cho phép người dùng phát triển kỹ năng đọc một cách độc lập. Sau khi hoàn thành, những phát hiện thực tiễn của dự án sẽ được vận dụng trong một số khóa học bắt buộc khi sinh viên bắt đầu các chương trình đại học. ¨