Dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện, một mạng lưới gồm 9 kính thiên văn nằm xung quanh Trái Đất sẽ chụp lại bức ảnh đầu tiên về hố đen.

sap-chup-duoc-buc-anh-ho-den-dau-tien

Chân trời sự kiện của hố đen sẽ được chụp lại vào năm 2017. Ảnh minh họa: The Epoch Times.

Theo The Epoch Times, bức ảnh sẽ được chụp vào năm 2017, và tập trung vào Sagittarius A, hố đen nằm ở trung tâm dải Ngân hà.

"Chúng tôi đã gần tới đích. Việc vào pha cho các thiết bị đã hoàn tất, các máy thu sẵn sàng và công trình lý thuyết cũng hoàn thiện", Feryal Ozel, một thành viên nhóm dự án, chia sẻ với BBC. "Việc chụp ảnh một hố đen gặp phải nhiều thách thức bởi nó vô cùng nhỏ bé giữa bầu trời. Chúng tôi hy vọng có thể chụp được hình ảnh trọn vẹn vào đầu năm 2017".

Chân trời sự kiện của hố đen vẫn còn là một điều bí ẩn. Do chúng không phản xạ hay phát ra ánh sáng nên rất khó để chụp được ảnh. Bản chất của chân trời sự kiện là một điểm không có chiều quay ngược trở lại. Vùng không gian này là nơi ánh sáng và vật chất không thể thoát ra do sức hút trọng lực của hố đen. Một số nhà khoa học giả thuyết rằng về cơ bản, chân trời sự kiện giống như một cái bóng đảo ngược của các vật thể, hoặc một quầng sáng bao quanh hố đen.

Khối lượng của hố đen tập trung vào một điểm duy nhất nằm sâu trong lõi của nó. Theo ước tính, khối lượng của hố đen nằm ở trung tâm dải Ngân hà lớn gấp 2.500.000lần khối lượng của Mặt Trời.

Ozel tiết lộ cuối cùng nhóm dự án đã chọn được bước sóng ánh sáng 1,3 milimet để chụp ảnh chân trời sự kiện của hố đen.

"Chúng tôi chạy hơn một triệu bản mô phỏng với nhiều cấu hình khác nhau. Trong mọi trường hợp, bước sóng 1,3 mm là lựa chọn phù hợp nhất để nhìn thấy chân trời sự kiện. Nhiều khả năng trông nó sẽ giống như một hình lưỡi liềm chứ không phải hình tròn", Ozel nói.