Các nhà khoa học Mỹ đã biến đổi các peptide trong nọc độc ong bắp cày Nam Mỹ để sử dụng làm thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt các loài vi khuẩn kháng thuốc.
Theo news.mit.edu, nọc độc của những loài côn trùng như ong bắp cày… chứa các hợp chất có thể tiêu diệt vi khuẩn. Thật đáng tiếc là nhiều hợp chất trong số này cũng gây độc cho con người, khiến không thể sử dụng chúng làm thuốc kháng sinh.
Thế nhưng mới đây, sau khi thực hiện một công trình nghiên cứu có hệ thống về các đặc tính chống vi trùng của chất độc thường thấy ở ong bắp cày Nam Mỹ, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã phát triển một loại kháng sinh mới. Cơ sở của thuốc kháng sinh này là nọc độc của loài ong bắp cày Nam Mỹ Polybia paulista, nói chính xác hơn là các peptide biến đổi của nọc ong. Điều tuyệt vời là các peptide này chỉ tiêu diệt vi khuẩn mà không làm hại tế bào người.
Các thử nghiệm trên chuột thí nghiệm đã chỉ ra rằng peptide mạnh nhất có thể đối phó với Pseudomonas aeruginosa, một loài vi khuẩn gây bệnh hô hấp cùng các nhiễm trùng khác và đã phát triển đề kháng với hầu hết các loại kháng sinh. Các peptide đã phá hủy được màng tế bào của vi khuẩn một cách hiệu quả nhất nhờ cấu trúc có xoắn ốc alpha (cấu trúc alpha-helix) của chúng.
Các nhà khoa học từ lâu đã sàng lọc và sửa đổi loại peptide mạnh nhất giúp loại bỏ hoàn toàn dấu vết nhiễm trùng trong 4 ngày, nhưng cho đến nay, họ vẫn muốn sửa đổi peptide để có được phiên bản hoàn hảo theo hướng sử dụng liều nhỏ nhất có thể.
Công bố thành tựu trên tạp chí Nature Communications Biology, các nhà khoa học hy vọng rằng một số nguyên tắc biến đổi peptide ở đây có thể áp dụng cho các peptide tương tự khác có nguồn gốc từ tự nhiên.
Theo Motthegioi