Các nhà khoa học vừa phát hiện thiên thể xa nhất trong hệ Mặt trời nhờ kính viễn vọng Magellan ở Chile. Thiên thể này được Liên minh Thiên văn Quốc tế đặt tên chính thức là 2018 VG18, với biệt danh “Farout”.
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy 2018 VG18 là một hành tinh lùn tròn, màu hồng, đường kính khoảng 500 km. Nó bay cách Mặt trời ở khoảng cách gấp 120 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời – xa hơn 35,4 tỷ km so với hành tinh lùn Eris, thiên thể xa thứ hai trong hệ.
“Tất cả những gì chúng tôi biết hiện nay về 2018 VG18 là khoảng cách rất xa của nó so với Mặt trời, đường kính gần đúng và màu sắc của nó. Vì quá xa nên 2018 VG18 hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt trời rất chậm, có thể mất tới hơn 1.000 năm”, David Tholen, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Hawaii, cho biết.
Các nhà thiên văn phát hiện 2018 VG18 trong quá trình tìm kiếm hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt trời. Họ cho rằng, các thiên thể tương tự như 2018 VG18 hình thành khá gần Mặt trời hàng tỷ năm trước và sau đó bị đẩy ra xa vì một nguyên nhân chưa được biết đến.
Quốc Lê (theo Livescience)