Một hành tinh đá cách trái đất 14 năm ánh sáng có bề mặt cứng và nhiệt độ vừa phải để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng.


Wolf 1061c, tên của một hành tinh đá, là ứng cử viên mới nhất trong danh sách những hành tinh giống trái đất. Với khối lượng gấp 4 lần địa cầu, nó là một trong 3 hành tinh xoay quanh ngôi sao lùn đỏ mang tên Wolf 1061, Brisbane Times đưa tin.
Sơ đồ vị trí của hành tinh đá Wolf 1061c và sao lùn đỏ Wolf 1061. Ảnh: UNSW
Sơ đồ vị trí của hành tinh đá Wolf 1061c và sao lùn đỏ Wolf 1061. Ảnh: UNSW

Duncan Wright, một tiến sĩ của Đại học New South Wales tại Australia, cùng các đồng nghiệp phát hiện ngôi sao Wolf 1061 và hành tinh Wolf 1061c.

"Đây là phát hiện đặc biệt thú vị bởi cả 3 hành tinh xoay quanh ngôi sao lùn đỏ đều không nặng dù chúng là thiên thể đá và có bề mặt cứng", Wright phát biểu.
Một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA
Một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA

Vị tiến sĩ nói thêm rằng Wolf 1061c nằm giữa so với hai hành tinh còn lại. Nhiệt độ bề mặt của nó ở mức vừa phải để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Nước là một trong những chất nuôi dưỡng sự sống.

Ngược lại, hành tinh Wolf 1061b quá gần ngôi sao nên nhiệt độ bề mặt rất cao, còn Wolf 1061 d quá xa ngôi sao nên bề mặt rất lạnh.

18 ngày là thời gian phiên bản song sinh của trái đất xoay quanh Wolf 1061 - ngôi sao có nhiệt độ bề mặt thấp hơn nhiều so với mặt trời.

Khoảng cách từ Wolf 1061c tới ngôi sao lùn đỏ chỉ bằng 10% khoảng cách từ trái đất tới mặt trời.

"Do di chuyển quá gần ngôi sao, rất có thể một bán cầu của Wolf 1061c luôn hướng về phía ngôi sao, giống như việc một phía của mặt trăng luôn hướng về trái đất", Wright lập luận.