Một loài dơi chưa từng biết đến trên thế giới vừa được tìm thấy ở vùng Đông Bắc Việt Nam và được đặt tên là dơi mũi ba lá Đông Bắc. Các nhà khoa học cho rằng loài này tiến hóa tách khỏi tổ tiên chung các loài dơi mũi ba lá từ 7,2 triệu năm trước.


Lâu nay, giống dơi mũi ba lá Aselliscus được cho là chỉ có hai loài, gồm A. tricuspidatus (chỉ sống ở các quần đảo thuộc Thái Bình Dương) và A. stoliczkanus (phân bố rộng rãi trên đất liền Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc). Tuy nhiên gần đây, các nhà nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và các cộng sự - trong đó có các chuyên gia Hungary, Nhật Bản, Pháp - vừa công bố một loài mới thuộc giống này được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam.

Kỳ công bẫy dơi và nghiên cứu

Sau gần 5 năm với nhiều đợt nghiên cứu thực địa, nhóm nghiên cứu thu được một số cá thể dơi mà họ định loại sơ bộ là loài A. stoliczkanus. Sau khi nghiên cứu hình thái của chúng, so sánh với các mẫu vật thuộc loài A. stoliczkanus tại các bảo tàng trong và ngoài nước, đồng thời phân tích trình tự gene của mẫu vật tại các phòng thí nghiệm Việt Nam, Pháp, Nhật Bản, Hungary, các nhà khoa học đi đến kết luận: Loài A. stoliczkanus thực chất là tập hợp nhiều loài có hình thái rất giống nhau (nên gọi chung là A. stoliczkanus complex); và những mẫu dơi thu được tại các khu vực có núi đá vôi Đông Bắc Việt Nam thuộc về một loài hoàn toàn mới đối với khoa học.

1
Các nhà khoa học sử dụng bẫy thụ cầm loại bốn khung dây và lưới mờ trước cửa các hang
có dơi cư trú.

Loài này được đặt tên khoa học là Aselliscus dongbacana Tu, Csorba, Gorfol, Arai, Son, Thanh & Hassanin, 2015 và tên tiếng Việt là dơi mũi ba lá Đông Bắc. Chúng được tìm thấy tại động Nà Phòng, Vườn quốc gia Ba Bể thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (tỉnh Bắc Kạn), Khau Ca (Hà Giang), Hữu Liên (Lạng Sơn) và Phia Oắc - Phia Đén (Cao Bằng).

Tiến sỹ Vương Tân Tú - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - cho biết, các nhà khoa học đã rất kỳ công để bắt được dơi đem về nghiên cứu mà không làm tổn hại đến chúng. Họ giăng bẫy thụ cầm loại bốn khung dây và lưới mờ trước cửa các hang có dơi cư trú, các lối mòn, khe núi. Việc gỡ dơi mắc bẫy cần tiến hành khẩn trương và khéo léo để tránh làm chúng bị thương, nhất là dơi non và dơi cái đang mang thai. Chúng được thả về tự nhiên sau khi được chụp ảnh, đo các chỉ số hình thái và định loại sơ bộ (những mẫu còn nhiều nghi vấn được làm tiêu bản). Các nhà khoa học cũng lấy mẫu mô từ màng cánh hoặc từ tiêu bản để nghiên cứu tiến hoá phân tử đối với các loài dơi ghi nhận được.

Giống như các loài dơi mũi ba lá khác, dơi A. dongbacana chuyên sống ở các khu vực có núi đá vôi và trú ngụ thành những đàn nhỏ trong hang động. Thức ăn chủ yếu của chúng là côn trùng nhỏ dưới tán rừng. TS Vương Tân Tú cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận một số cá thể dơi cái đang mang thai vào tháng năm và vào tháng sáu có nhiều dơi cái đang nuôi con. Điều này cho thấy thời điểm từ tháng ba đến tháng bảy là mùa sinh sản của dơi mũi ba lá Đông Bắc cũng như của nhiều loài dơi khác tại miền bắc Việt Nam. Đây là thời điểm thức ăn dồi dào, thuận lợi cho việc mang thai và chăm sóc con non”.

Vừa “lộ diện” đã bị đe dọa tuyệt chủng

Dựa vào việc xác định niên đại thông qua đột biến gene, các nhà khoa học xác định: Khoảng 7,2 triệu năm trước (cuối thế Miocene), tổ tiên chung của các loài dơi mũi ba lá hiện nay trên đất liền Đông Nam Á đã phân tách thành hai nhánh. Một nhánh tiến hoá thành loài dơi mũi ba lá Đông Bắc, nhánh kia sau đó (trong khoảng 2,4-2,8 triệu năm trước) tiếp tục phân tách để tạo thành các loài trong nhóm A. stoliczkanus complex.

2
Bẫy dơi trên thực địa bằng bẫy thụ cầm. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân của hai đợt phân tách trên. Sự nâng lên của dãy Himalaya và cao nguyên Tibet kết hợp với việc hình thành các lớp băng ở hai địa cực xảy ra trong khoảng 8-10 triệu năm và 2,6-3,6 triệu năm trước đã tạo nên những biến động lớn về khí hậu toàn cầu, kéo theo sự thay đổi về sinh cảnh tại châu Á. Các dẫn liệu thu được này sẽ là nền tảng cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo, dự đoán sự phân bố và tiến hoá của dơi và các loài sinh vật khác trong bối cảnh môi trường sống bị suy thoái bởi biến đổi khí hậu và con người, từ đó tìm cách quy hoạch bảo tồn bền vững đa dạng sinh học.

Theo TS Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên) Việt Nam, việc phát hiện dơi A. dongbacana cho thấy Việt Nam sở hữu số loài vô cùng đa dạng, một số loài độc đáo nhất thế giới và đa dạng sinh học của Việt Nam còn nhiều giá trị tiềm ẩn cần được khám phá. Tuy nhiên, ngay khi vừa được phát hiện, loài này đã phải đối mặt với mối đe dọa tuyệt chủng vì bị săn bắn và đặc biệt là môi trường sống bị thu hẹp. Dơi mũi ba lá Đông Bắc chỉ phân bố giới hạn trong vùng núi đá vôi ở Đông Bắc Việt Nam, nhưng sinh cảnh này đang bị suy thoái bởi các hoạt động gây hại của con người.