Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison cho thấy, Mặt Trăng đang di chuyển xa khỏi Trái Đất và khiến hành tinh xanh quay chậm lại, Telegraph hôm 5/6 đưa tin. Điều này cũng đồng nghĩa với ngày trở nên dài hơn.
Khoảng 1,4 tỷ năm trước, một ngày chỉ gồm hơn 18 giờ. Nguyên nhân phần nào là Mặt Trăng khi đó ở gần hơn và thay đổi cách Trái Đất quay quanh trục. Hiện Mặt Trăng rời xa Trái Đất khoảng 3,82 cm mỗi năm. Sau 200 triệu năm, một ngày trên Trái Đất sẽ dài 25 tiếng.
Chuyển động của Trái Đất chịu ảnh hưởng từ vật thể xung quanh như các hành tinh và Mặt Trăng tác dụng lực lên nó. Lực thay đổi có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời cũng như việc tự xoay quanh trục.
Những thay đổi này gọi là chu kỳ Milankovitch. Chúng quyết định sự phân bố nắng trên Trái Đất, từ đó quyết định nhịp điệu khí hậu. Qua hàng tỷ năm, thời gian trên hành tinh xanh thay đổi đáng kể vì có rất nhiều vật thể chuyển động trong hệ Mặt Trời, gồm các hành tinh. Việc nghiên cứu mẫu đá có thể giúp các nhà khoa học tìm ra sự biến đổi trong cách Trái Đất chuyển động.
Nghiên cứu mới sử dụng phương pháp thống kê liên kết thuyết thiên văn với quan sát địa chất để khám phá thay đổi khí hậu thời cổ đại, tái dựng lịch sử hệ Mặt Trời trong khi nhìn lại quá khứ địa chất của Trái Đất. Kết hợp với một số phương pháp khác, nhóm chuyên gia tính toán hướng trục quay Trái Đất, hình dạng quỹ đạo, qua việc phân tích mẫu đá cổ xưa ở miền Bắc Trung Quốc và phía nam Đại Tây Dương.
Từ đó, họ tiếp tục xác định độ dài ngày cũng như khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. "Trong tương lai, chúng tôi muốn mở rộng nghiên cứu đến nhiều giai đoạn địa chất khác nhau", tiến sĩ Alberto Malinverno chia sẻ.