“Nếu chỉ nhìn lại để ghi nhận sự chuyển động của KH&CN trong một năm qua thì sẽ không thấy hết phần đóng góp, nhưng cũng có thể điểm mặt, gọi tên nhiều sự việc cho thấy vai trò quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của đất nước và sinh kế của người dân”.

Đó là chia sẻ của GS-TS Phan Văn Tân - Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - với Khoa học và Phát triển khi nói về đóng góp của KH&CN trong năm 2016.

Sáng tỏ sự thật liên quan đến hàng triệu dân

Việc tìm ra nguyên nhân gây sự cố môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại vùng biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế được GS-TS Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - coi là minh chứng về vai trò của khoa học trong những vấn đề nóng của đất nước.

“Ban đầu, rất nhiều giả thiết về nguyên nhân được đưa ra. Khoa học đã vào cuộc tổng lực, tích hợp liên ngành, tìm ra nguyên nhân chính xác của sự cố môi trường và người gây ra sự cố môi trường, đó là sự xả thải của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Nếu không có được kết luận này thì mọi thứ đều bế tắc” - GS Nhuận nhấn mạnh.

Tìm được nguyên nhân rồi, KH&CN lại có nhiệm vụ đưa ra đánh giá và dự báo tác động toàn diện của sự cố này đối với môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội, trị an... làm cơ sở khoa học cho các nhà quản lý có quyết sách đúng. Trong đó, các dự báo có vai trò rất quan trọng.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khảo sát, lấy mẫu tại biển miền Trung tìm nguyên nhân hải sản chết sau sự cố môi trường Formosa. Ảnh: Đặng Ngãi

“Ngay ở thời điểm nóng nhất của sự cố môi trường ở miền Trung, chúng ta đã dự báo rằng môi trường có khả năng phục hồi tự nhiên rất tốt do biển mở, lưu thông... Vì vậy, sự hồi phục của biển sẽ diễn ra nhanh. Những đánh giá khoa học sau đó và kết quả khảo sát mới đây của chúng tôi đã chứng tỏ dự báo này là đúng. San hô đã bắt đầu phát triển lại. Hồi tháng 7/2016, biển vùng này chỉ còn cá con, bây giờ cá lớn, cá bé đều đã xuất hiện. Có thể thấy, dự báo khoa học là yếu tố cực kỳ quan trọng để chủ động ứng phó với các vấn đề môi trường” - ông Nhuận khẳng định và cho rằng, từ bài học Formosa, Việt Nam nên phát triển một đội ngũ nghiên cứu khoa học về ứng phó với thảm họa môi trường.

“Đây là thử thách để các nhà khoa học phải làm nhanh, tốt, hiệu quả và có bản lĩnh để luôn khách quan, không chịu bất cứ áp lực nào khi tìm lời giải cho vấn đề. Đây là tiền đề quan trọng để có thể ngăn chặn, ứng phó các thảm họa môi trường tương tự” - GS Mai Trọng Nhuận nhìn nhận.

Những dự báo kịp thời

Một trong những hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL). Thực chất từ năm 2007-2008, các nhà khoa học đưa ra dự báo lượng mưa ở khu vực này - do tác động của El Nino và biến đổi khí hậu - sẽ giảm từ 40-60% ở ĐBSCL và giảm 49-70% ở Tây Nguyên vào những năm 2014, 2015 và 2016. Thực tế cho thấy dự báo này là đúng.

Theo TS Nhuận, từ dự báo đó các nhà khoa học đề xuất các giải pháp có tính kỹ thuật quan trọng như quy hoạch sử dụng đất và tài nguyên phù hợp với định nghĩa mới là “khô - hạn - thiếu nước”; chuyển đổi mô hình kinh tế từ hệ sinh thái nước ngọt sang hệ sinh thái mặn - lợ ở ĐBSCL và chỉ giữ lại hệ sinh thái nước ngọt với diện tích đủ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia chứ không đắp đê ngăn mặn khắp nơi.

“Nhiều người nói về tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu làm xong bị “đắp chiếu, đút ngăn kéo”, nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều, đầu tư cho khoa học là đầu tư rủi ro. Người ta có thể đầu tư rất nhiều tiền và thời gian cho các đề tài, trong đó nhiều đề tài sau đó không ứng dụng được; nhưng chỉ cần một đề tài thành công thì có thể mang lại lợi ích rất lớn. Trong đó, ngành y học, nông nghiệp, toán học, khoa học trái đất… đã đóng góp rất nhiều. Trong khoa học trái đất có ngành địa chất, khí tượng thủy văn, trong ngành khí tượng thủy văn có mảng biến đổi khí hậu cũng đã làm được rất nhiều thứ. Có điều, không phải kết quả nào cũng nhìn thấy ngay trước mắt, mà chỉ đến khi cần dùng đến và áp dụng mới thấy hết giá trị của nó” - ông Tân nói.

Dẫn chứng cho điều này, TS Tân cho biết để ứng phó với biến đổi khí hậu, trước đây người dân thường dùng kinh nghiệm, kiến thức bản địa, dễ dẫn đến những dự báo sai. “Nhờ nghiên cứu và ứng dụng các mô hình tính toán hiện đại, chúng ta có thể dự báo theo mùa - tức là dự báo thời tiết khoảng vài ba tháng tiếp theo - như tết sắp tới lạnh hay ấm, vụ đông - xuân có thuận lợi cho cày cấy không…; xa hơn là năm tới khả năng có bao nhiêu cơn bão. Nhờ khoa học, nghiên cứu mới có thể dự đoán được như thế” - TS Tân khẳng định.