Hành tinh khổng lồ lớn gấp 11 lần sao Mộc có thể đã bị một lực hấp dẫn bên ngoài kéo ra xa khỏi ngôi sao mẹ.

hanh-tinh-beo-bi-truc-xuat-khoi-he-mat-troi

HD-106906b lớn gấp 11 lần sao Mộc. Ảnh: NASA.

Cách Trái Đất khoảng 300 năm ánh sáng, một hành tinh khổng lồ bị đuổi khỏi hệ sao của nó. Một nhóm nhà khoa học đã công bố phát hiện tại hội thảo về các hệ mặt trời xa xôi lần thứ ba tại Hawaii, Mỹ, hôm 2/12.

Theo National Geographic, hành tinh có tên HD 106906b không bị đẩy ra rìa một cách tình cờ. Các nhà khoa học nghi ngờ lực hấp dẫn mạnh từ hành tinh khác hoặc một ngôi sao bay ngang qua đã đẩy nó ra. Đây cũng là quá trình có thể lý giải cho hàng tỷ hành tinh đang lang thang trong dải ngân hà.

"Bức tranh toàn cảnh về hệ hành tinh hỗn độn này vô cùng thú vị", Paul Kalas ở Viện nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất (SETI). Ông là một thành viên trong nhóm nghiên cứu quan sát được HD 106906b nhờ sử dụng Bộ thu hình hành tinh Song Tử đặt trên dãy núi Andes, Chile.

HD 106906b có kích thước gấp 11 lần sao Mộc và quay quanh ngôi sao lớn hơn Mặt Trời một chút. Tuy nhiên, hệ sao này mới chỉ 13 triệu năm tuổi, trẻ hơn nhiều so với hệ Mặt Trời. Vành đai sao chổi di chuyển hỗn loạn gần hệ sao rất giống phiên bản lớn hơn của Vành đai Kuiper, nơi sao Diêm Vương và vô số thiên thể khác cư trú.

"Chúng tôi cho rằng toàn bộ hệ sao này bị xáo trộn trong thời gian gần đây dưới tác động lớn của lực hấp dẫn", Kalas cho biết.

Những quan sát chỉ ra có thể khi bị đẩy khỏi hệ sao, hành tinh được đẩy đi nhờ những mảnh vụn từ vành đai sao chổi, Abhijith Rajan, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Arizona cho biết. HD 106906b chứa nhiều bụi hơn dự kiến và có thể bao quanh nó là một vành đai hoặc đám mây bụi lớn.

Thông thường, các hành tinh quay quanh một tân tinh trong một mặt phẳng, giống như những đường rãnh trên một đĩa nhựa, có nghĩa là HD 106906b phải nằm cùng mặt phẳng với Vành đai Kuiper. Nhưng ngoài việc bị đẩy ra ngoài rìa, hành tinh này bay rất xa vành đai bụi. Điều đó có nghĩa là nó hình thành ở cách đó rất xa hoặc một loại lực hấp dẫn đã đẩy văng nó khỏi vị trí ban đầu.

"Các hành tinh không hình thành bên ngoài mặt phẳng của hệ thống hành tinh", Kalas nói. Theo các nhà khoa học, họ đang quan sát những thương tổn mà hệ thống hành tinh trẻ trải qua khi các hành tinh và đập và tác động lên hành tinh khác đôi khi khá dữ dội.

Hệ thống hành tinh của chúng ta trải qua loại va chạm này khoảng bốn tỷ năm trước, khi các hành tinh khổng lồ bắt đầu di chuyển ra ngoài. Kết quả từ sự hỗn loạn là các thiên thể nhỏ tiếp tục bay trong vũ trụ, sao Thiên vương và Hải vương có thể đổi chỗ cho nhau và lực hấp dẫn từ sao Mộc nhiều khả năng đã đẩy một hành tinh khổng lồ mất hút vào không gian.

Các nhà nghiên cứu chưa rõ HD106906b có tiếp tục bị đẩy ra ngoài hay cố định tại vị trí cách xa ngôi sao của nó. Rajan cho rằng nó có thể đứng yên, nhưng không loại trừ khả năng hành tinh này có thể sẽ di chuyển lang thang trong dải ngân hà mà không có ngôi sao mẹ.