Chỉ sau 3 năm thực hiện kế hoạch đẩy mạnh in 3D, hiện công nghệ in 3D đã hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực của Hàn Quốc.

Nhìn ra vai trò của in 3D trong việc phát triển kinh tế, nước này đã lập hẳn chiến lược phát triển ngành này để đón đầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0).

Đào tạo 10 triệu chuyên gia về in 3D

Từ năm 2014, Chính phủ Hàn Quốc đã nhận ra vai trò của công nghệ in 3D và mong muốn trở thành quốc gia có khả năng cạnh tranh nhất về công nghệ in 3D. “Chúng tôi cần tăng cường khả năng chuẩn bị cho một xã hội tri thức trong tương lai bằng cách tạo ra nền văn hóa sáng tạo, nơi mọi người dân có thể thể hiện sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú một cách tự do” - ông Yoon Jong-lok - Bộ Thông tin - Viễn thông Hàn Quốc - cho biết.

Để thực hiện tham vọng đó, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban Phát triển công nghiệp in 3D - nơi tập hợp các quan chức của hơn 12 bộ, ngành, tuyên bố đầu tư 2,3 triệu USD vào máy móc và thiết bị in 3D để các công ty có thể thực hiện các chương trình đào tạo cho công nhân.

Ngày 18/6/2014, họ đã nhất trí thông qua một kế hoạch nhằm đưa Hàn Quốc thành nước tiên phong trong công nghệ in 3D với nhiều mục tiêu như tới năm 2020 đào tạo 10 triệu nhà thiết kế sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghệ in 3D trên phạm vi toàn quốc.

Ủy ban Phát triển công nghệ in 3D của Hàn Quốc sau khi thành lập đã đưa ra những chương trình học chi tiết về công nghệ in 3D, “đo ni đóng giày” cho người dân từng cấp độ học vấn - từ học sinh tiểu học đến người trưởng thành - với mục tiêu đến năm 2017, khoảng 50% số trường học trong cả nước có máy in 3D. Ngoài ra, họ còn có những chương trình học và cung cấp khả năng tiếp cận công nghệ cho những người ít có cơ hội trải nghiệm công nghệ.

Sản phẩm nội tạng được in bằng máy in 3D của nhóm khởi nghiệp Medicalip, Hàn Quốc. Ảnh: Seoul Space
Sản phẩm nội tạng được in bằng máy in 3D của nhóm khởi nghiệp Medicalip, Hàn Quốc. Ảnh: Seoul Space

Ngoài giáo dục, kế hoạch phát triển công nghệ in 3D trên cũng rất quan tâm đến khả năng ứng dụng công nghệ cho doanh nhân và người buôn nhỏ. Chính phủ thường xuyên kết hợp với các nhà cung cấp phần mềm, cơ quan địa phương và doanh nghiệp tư nhân để tổ chức những buổi hội thảo giới thiệu công nghệ in 3D tới doanh nhân.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn thành lập “Cổng thông tin tổng hợp về công nghệ in 3D quốc gia” với nhiệm vụ kết nối các dịch vụ và hỗ trợ trao đổi thông tin. Hệ thống nhận diện nội dung chung cho dữ liệu công nghệ in 3D là một thư viện số cho phép lưu trữ, nhận diện các ấn phẩm có liên quan tới lĩnh vực này.

Giảm thuế, trợ cấp cho doanh nghiệp

Sau kế hoạch đầy tham vọng bắt đầu từ năm 2014, công nghệ in 3D đã hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực của Hàn Quốc: Chuyển các di sản văn hóa thành các file 3D, phát triển vật liệu in 3D lụa sinh học, dùng máy in 3D kim loại để sản xuất ra các bộ phận ghép, các bộ phận cho máy bay quân sự... Rất nhiều startup về lĩnh vực này được thành lập. Theo các chuyên gia, công nghệ in 3D tại xứ sở kim chi tập trung nhiều vào y tế, thời trang, giáo dục.


Mặc dù Hàn Quốc được cho là rất tích cực trong việc phát triển in 3D, nhưng các chuyên gia cho rằng nước này còn phải nỗ lực hơn nữa nếu muốn đạt được mục tiêu về Industry 4.0. Điều đó được bản báo cáo của Học viện Nghiên cứu Hyundai mùa hè năm 2016 chỉ rõ: Những công ty có liên quan tới Industry 4.0 của Hàn Quốc chỉ tăng trưởng 1,8% từ năm 2011 tới 2015, trong khi lợi nhuận lại đang giảm.

Ông Kang Seong-Joo - thuộc Bộ Thông tin - Viễn thông Hàn Quốc - cho biết: “In 3D là công nghệ cốt lõi của đổi mới sáng tạo trong các ngành sản xuất và tạo ra một thị trường mới bằng cách thay đổi mô hình hoạt động của ngành. Các bộ, ngành cần hợp tác chặt chẽ để đáp ứng các xu hướng thay đổi toàn cầu một cách nhanh chóng”.

Vào tháng 4/2017, Chính phủ Hàn Quốc công bố sẽ chi khoảng 37 triệu USD trong năm 2018 để tiếp tục phát triển công nghệ in 3D. Số tiền này sẽ được dùng để giúp đỡ các ngành công nghiệp, quốc phòng và hỗ trợ sản xuất các thành phần trong công nghệ in 3D, đặc biệt hỗ trợ dùng máy in 3D để sản xuất các thiết bị phục hồi chức năng và xương nhân tạo, với mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của ngành này.

Ngoài một số biện pháp khuyến khích như giảm thuế, thiết lập nhiều gói trợ cấp dành cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ in 3D, vào tháng 4/2017, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ áp dụng chính sách bồi thường và định giá dành cho các thiết bị y tế sử dụng công nghệ tiên tiến như robot, trí tuệ nhân tạo, in 3D. Theo đó, các công nghệ và thiết bị y tế sử dụng công nghệ mới sẽ nhận được ưu đãi khi giá được tính trong bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo năm 2017 của Wohlers - một tập đoàn tư vấn uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất theo công nghệ chế tạo cộng (in 3D), tốc độ tăng trưởng của công nghệ in 3D trên toàn thế giới năm 2016 có hơi giảm sút, chỉ tăng trưởng 17,4%, tương đương 6,063 tỷ USD, trong khi mức tăng trưởng của năm 2015 là 25,9%.

Tuy nhiên, số nhà sản xuất tham gia lĩnh vực này đã tăng từ 62 (năm 2015) lên tới 97. Theo dự báo của các chuyên gia, tới năm 2022, thị trường công nghệ in 3D sẽ đạt giá trị 30,2 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 28,5% trong giai đoạn 2016-2022.