Các công nghệ xử lý rác thải polyme, chất dẻo có khả năng phân hủy sinh học phù hợp với tiềm năng, nội lực của Việt Nam sẽ góp phần giảm thiểu tác động xấu của rác thải nhựa.
Ngày 10/12, tại Diễn đàn “Ô nhiễm rác thải nhựa và Giải pháp” do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Công nghệ Sinh học) đã công bố nghiên cứu mới về khả năng phân hủy sinh học plastic bởi các tác nhân sinh học, như: chủng vi khuẩn và xạ khuẩn ưa nhiệt phân lập từ nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam; chủng vi khuẩn ưa nhiệt phân lập từ đống ủ compost phụ phế liệu nông nghiệp; nấm đảm…
Trong khi đó, GS. TS Thái Hoàng (Viện Kỹ thuật Nhiệt đới) giới thiệu các phương pháp hóa học và hóa lý hiện đại để đánh giá phân hủy sinh học của vật liệu polymer và polymer tổ hợp có khả năng phân hủy sinh học, như: phổ hồng ngoại, phổ tử ngoại, cộng hưởng từ hạt nhân…
Nhờ sử dụng các chế phẩm sinh học từ các chủng xạ khuẩn làm tác nhân phân hủy sinh học cho các màng polymer và các phương pháp hóa học, hóa lý hiện đại nêu trên, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và GS.TS Thái Hoàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ba bằng độc quyền sáng chế vào tháng 6-2019.
Các nhà khoa học cho rằng các kết quả nghiên cứu nêu trên là cơ sở khoa học để hình thành công nghệ xử lý rác thải polyme, chất dẻo có khả năng phân hủy sinh học phù hợp với tiềm năng, nội lực của Việt Nam, góp phần giảm thiểu tác động xấu của rác thải nhựa.
Anh Thư