Sinh vật biển cùng tiếng tàu thuyền khiến đại dương trở thành một nơi ồn ào. Trong mớ âm thanh hỗn độn đó, các nhà khoa học vừa phát hiện một âm thanh lạ lùng tại vùng biển bí hiểm Caribean.
Tiếng ồn đó quá thấp để con người nghe được nhưng rất mạnh mẽ, đến mức có thể phát hiện từ không gian.
Khi nghiên cứu biển Caribean, Chris Hughes - Đại học Liverpool (Anh) - và cộng sự nhận thấy có cái gì đó kỳ lạ trong các dao động áp lực trên lưu vực. Để tìm hiểu, họ phân tích mực nước biển, đo áp lực dưới đáy biển bằng bốn mô hình, sử dụng thông tin từ máy đo thủy triều và các phép đo vệ tinh. Kết quả cho thấy các dao động áp lực kỳ lạ là có thật chứ không chỉ xuất hiện trong mô hình. Chúng tạo ra tiếng ồn thấp, giống như tiếng còi.
Những tiếng ồn này là kết quả của sự tương tác giữa sóng Rossby - sóng lớn đi về phía tây trong đại dương - và đáy biển. Các con sóng biến mất ở phía tây lưu vực Caribean, nhưng lại nổi lên trên ở phía đông sau 120 ngày. Âm thanh cơ bản được tạo ra bởi tiếng nước khi di chuyển liên tục trong và ngoài lưu vực Caribean trong khoảng thời gian xác định.
Ông Hughes cho biết, sự hoạt động của đại dương trong vùng biển Caribean tương tự như một cái còi: “Khi bạn thổi vào còi, phản lực của không khí trở nên không ổn định và kích thích làn sóng cộng hưởng âm thanh vừa vào bên trong. Do còi mở nên âm thanh có chỗ để tỏa ra và chúng ta có thể nghe thấy nó”.
Lê Mai (Theo Eurekalert)