Tuy mới thành lập từ năm 2013 với 6 sáng lập viên là những người bạn cùng lớp đại học tại Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty TNHH Công nghệ ezCloud Toàn cầu đã có những hành trình đáng khâm phục như: Top ba khởi nghiệp xuất sắc nhất của HATCH tháng 12/2015; top 15 doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á tham sự hội thảo của Seedstars World toàn cầu tại Thụy Sĩ vào tháng 2 năm 2016; một trong 8 doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) được lựa chọn tham dự hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tại PaLo ALTO, bang California, Mỹ; một trong 10 DNKN được yêu thích nhất tại Startup Festival 2016; một trong 14 doanh nghiệp điển hình tham dự hội nghị công nghệ Slush tại Hensiki, Phần Lan vào 11/2016, top 10 Best Startup tại Startup Festival Vietnam 2016...
ezCloud ra đời từ ý tưởng của những người đồng sáng lập mong muốn xây dựng một phần mềm dựa trên những kiến thức học được ở trường để phát triển một sản phẩm của riêng mình - một sản phẩm do người Việt phát triển, trước hết dành cho người Việt và sau đó có thể mở rộng ra nước ngoài.
TS. Đặng Thành Trung cho biết: “Chúng tôi nhận thấy việc tiếp nhận và phát triển các giải pháp về công nghệ thông tin tại Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới. Cùng với đó, lĩnh vực du lịch là một trong những định hướng phát triển đầy tiềm năng, do đó, ezCloud được thành lập và hướng đến việc cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực TravelTech (Công nghệ du lịch) cho các khách sạn cho các khách hàng của mình”.
Trong những năm đầu thành lập, ezCloud gặp rất nhiều khó khăn. Công ty được thành lập nhưng chưa có văn phòng mà chủ yếu làm việc tại quán café để tiết kiệm chi phí. Công ty cũng không có chiến lược kinh doanh mà chỉ bán hàng dựa trên các mối quan hệ và thói quen nhỏ lẻ cũng như chưa định hướng được thị trường.
Bên cạnh đó, doanh thu chủ yếu đến từ việc bán sản phẩm nên khá ít ỏi. Số lượng các đồng sáng lập Công ty trong giai đoạn đầu nhiều hơn nhân viên và phải kiêm nhiệm hầu hết tất cả các công việc từ kinh doanh, marketing, tài chính, phát triển sản phẩm, … mà không có lương trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, do không có nhiều kinh nghiệm nên việc kiêm nhiệm hiển nhiên là không có hiệu quả.Trong khi đó, Công ty không có định hướng phát triển sản phẩm cụ thể, chỉ dựa trên các yêu cầu của khách hàng. Cùng với đó, áp lực không chỉ đến từ công việc mà còn đến từ phía gia đình.
TS. Đặng Thành Trung. Ảnh: Cục TT KH&CN QG
Anh Trung cho biết: “Đây cũng là hoàn cảnh chung của các startup trong giai đoạn đầu thành lập và thực sự nếu không có được sự hỗ trợ thì hầu hết các startup đều khó có thể vượt qua được giai đoạn này. Và thật may mắn, do được sự giới thiệu của một người bạn ezCloud đã nhận được sự hỗ trợ từ IPP, một dự án có thể coi là mang tới một bước ngoặt cho sự phát triển của Công ty”.
Lúc xin tài trợ, vấn đề quan tâm đầu tiên của ezCloud đối với dự án đó là nguồn vốn. Tuy nhiên, sau này ezCloud nhận ra rằng, đây không phải là vấn đề quan trọng nhất mà trên thực tế, ngoài nguồn vốn ezCloud còn nhận được nhiều hơn thế: Đó là các mối quan hệ mới; sự tư vấn, cố vấn trực tiếp từ các mentor, những người hướng dẫn thực tế, từng bước cho chúng tôi chiến lược quản lý nhân sự, marketing, kinh doanh, thị trường, chân dung khách hàng, định hướng phát triển sản phẩm và qui trình vận hành doanh nghiệp.
Với sự hỗ trợ như vậy, việc sử dụng nguồn vốn mới thực sự hiệu quả đối với các startup vì trên thực tế, các startup thường thiếu các kỹ năng quản trị, vận hành cũng như kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng nguồn vốn”. “Mô hình hỗ trợ của IPP thực sự rất quan trọng đối với các startup của Việt Nam”, Anh Trung nhận định.
Sau khi thành công trong giai đoạn 1, ezCloud đã được lựa chọn vào tiếp giai đoạn 2 của IPP. Và đúng như mục tiêu của giai đoạn 2, sau khi đã có được những kinh nghiệm vô cùng quí báu cho việc vận hành và phát triển doanh nghiệp tại giai đoạn 1, ezCloud hướng tới việc mở rộng thị trường dựa trên các sản phẩm mới được phát triển từ việc đánh giá sâu hơn về thị trường và nhu cầu của người dùng cũng như kinh nghiệm phát triển sản phẩm ở giai đoạn 1. ezCloud hiểu được là cần phải làm gì, phát triển cái gì để có thể chiếm lĩnh thị trường và đã phát triển đột phá với các sản phẩm mới của mình, tạo sự khác biệt với thị trường còn lại.
Thêm vào đó, trong giai đoạn 2, ezCloud nhờ các mối quan hệ của IPP, sự tư vấn trực tiếp của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực trong cộng đồng của IPP, ezCloud đã tích lũy được các kinh nghiệm về gọi vốn, gọi quỹ đầu tư. Đây là một trong những mục tiêu mà hầu như các startup nào cũng hướng tới khi khởi nghiệp, nhưng thực sự, nó không hề đơn giản và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không lường trước được nếu không có kinh nghiệm.
Với sự hỗ trợ 2 lần từ IPP, ezCloud đã đạt được một số phát triển đáng kể: Về sản phẩm: ezCloud đã cho ra đời một sản phẩm mang tính đột phá tại thị trường Việt Nam, đó là ezCloudHotel, một giải pháp quản lý dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây. Từ đó, Công ty đã mở rộng và tích hợp với rất nhiều các kênh kết nối khác hỗ trợ khách sạn không chỉ quản lý mà còn kinh doanh, giúp doanh thu của khách sạn tăng lên đáng kể. Nhờ có sự hỗ trợ của IPP trong giai đoạn này, ezCloud đã có sự phát triển đột phá, vươn lên một tầm cao khác so với giai đoạn khởi nghiệp ban đầu.
Nhân sự của Công ty cũng tăng lên đáng kể, từ ngày thành lập với 4 nhân viên, hiện tại công ty đã có khoảng 80 nhân viên với doanh thu trung bình tăng trưởng 200%/năm. Đến nay, ezCloud có trụ sở ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và ở Singapore, được tin dùng bởi hơn 1000 khách sạn tại 5 quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, quản lý hơn 40.000 phòng khách sạn trên toàn thế giới và hơn 450 tỷ giao dịch mỗi năm.
Về tầm nhìn trong thời gian tới, Công ty đặt kế hoach đến năm 2020, trở thành 1 trong những công ty đứng đầu châu Á về lĩnh vực TravelTech, chiếm 50% thị phần trong ngành dịch vụ khách sạn và là một trong những công ty công nghệ hàng đầu, có môi trường làm việc đáng mơ ước tại Việt Nam.