Trong bối cảnh các sản phẩm hữu cơ đang ngày càng được ưa chuộng và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang thắt chặt các quy định liên quan đến tiêu chuẩn hữu cơ, việc chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn này là một trong những hướng đi giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường thế giới.

Người dân thị trấn Sông Cầu chăm sóc và thu hái trên diện tích chè nguyên liệu.
Người dân thị trấn Sông Cầu chăm sóc và thu hái trên diện tích chè nguyên liệu. Ảnh:thainguyen.gov.vn

Những thách thức mới

Theo bà Nguyễn Thị Hải Xuân - Chuyên gia đánh giá trưởng Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, cho đến hiện nay, Bộ KH&CN đã công bố 13 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn này không đơn giản, theo phản ánh của một số doanh nghiệp. Ví dụ như tiêu chuẩn hữu cơ trong thủy sản hiện chỉ có chứng nhận cho tôm và rong biển chứ chưa có tiêu chuẩn bao trùm. Do đó, xảy ra trường hợp "dở khóc dở cười" là trong cùng một ao nuôi của hợp tác xã dù áp dụng cùng tiêu chuẩn nhưng tôm lại được chứng nhận hữu cơ, còn cá và cua thì không được chứng nhận.

Đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam đã không dễ, ngành nông nghiệp hữu cơ lại càng đối mặt với thách thức lớn hơn khi các tiêu chuẩn quốc tế đang ngày càng được thắt chặt hơn. Do thị trường hữu cơ đang tăng trưởng mạnh mẽ, “việc kinh doanh các sản phẩm hữu cơ cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn, khiến cho Mỹ và châu Âu - hai thị trường hữu cơ lớn nhất đều điều chỉnh việc quản lý theo hướng chặt chẽ hơn và nhiều lĩnh vực hơn”, ông Phạm Minh Đức - Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - Trưởng ban Kiểm tra BCH Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - Giám đốc Điều hành Ecolink cho biết. “Điều này cũng trực tiếp ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tại những nước thứ ba như Việt Nam”.

Năm 2023, lần đầu tiên sau hơn 30 năm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam - tăng cường quản lý các sản phẩm hữu cơ, bao gồm sản xuất, xử lý và bán hàng, đồng thời tăng cường “nhiều lớp bảo vệ” xung quanh nhãn hiệu hữu cơ của cơ quan này với Quy định Tăng cường Thực thi Hữu cơ (SOE). Hiệp hội Nông dân Hữu cơ của Mỹ “rất vui mừng” khi thấy quy định cuối cùng được công bố và tin rằng SOE sẽ giúp tạo ra “sân chơi bình đẳng” cho những người sản xuất hữu cơ, theo chia sẻ của bà Lily Hawkins - Giám đốc chính sách của Hiệp hội với tờ CNN. Tuy nhiên, đây cũng là những thách thức chung đối với các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Chia sẻ với tờ Fooddive, Nate Ensrud - Giám đốc Điều hành tại FoodChain ID - một trong những tổ chức chứng nhận hữu cơ lớn nhất tại Mỹ - nhận thấy ngành này mới có rất ít hành động để đáp ứng được những thay đổi của tiêu chuẩn SOE.

Quy định này chuẩn hóa các yêu cầu về đào tạo và hoạt động đối với các doanh nghiệp và nhân viên hữu cơ. Đồng thời, quy định cũng yêu cầu chứng nhận đối với hàng nhập khẩu hữu cơ, và các doanh nghiệp sẽ cần cung cấp chứng nhận cho thấy các bộ phận chính trong chuỗi cung ứng của họ đáp ứng tiêu chí hữu cơ.

Cụ thể, theo ông Lê Quí Hòa Bình - Quản lý chứng nhận nông nghiệp - Công ty TNHH Control Union Việt Nam, thay đổi lớn nhất trong yêu cầu là nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản phẩm hữu cơ sẽ cần được chứng nhận hữu cơ. Đồng thời, cần tăng cường lưu trữ hồ sơ và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng.

Không chỉ vậy, châu Âu cũng lại đang có những quy định “ngặt nghèo” hơn cho sản phẩm hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty TNHH Chứng nhận phù hợp Mekong Cert - cho biết, tiêu chuẩn hữu cơ mới của châu Âu (EU) 2018/848 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã yêu cầu áp dụng cho toàn bộ nhà sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, và chung một nguyên tắc tuân thủ, không áp dụng tương đương như trước đây (tức chỉ cấp chứng nhận nếu đáp ứng đúng tiêu chuẩn EU mới).

Một số thay đổi cụ thể bao gồm, sản xuất phải trên đất liền thổ (không phải chậu, thùng chứa), phải đa dạng về luân canh/xen canh cây trồng mạnh mẽ hơn, đồng thời phải tách biệt trong trường hợp sản xuất song song (ví dụ như sản xuất hữu cơ/thông thường) đối với cả các hộ sản xuất nhỏ),... - những quy định có thể làm khó nền nông nghiệp vốn nhỏ lẻ, manh mún như Việt Nam.

Một phân khúc tiềm năng

“Trồng rau hữu cơ đã khó, bán rau hữu cơ còn khó hơn rất nhiều. Nếu ai làm về sản xuất hữu cơ sẽ thấy được vấn đề này”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên - CEO Công ty TNHH SX TM DV Hương Đất - thương hiệu rau Happy Vegi - thành thật chia sẻ tại tọa đàm “Tiêu chuẩn hóa: nền tảng cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ tổ chức vào tháng sáu vừa qua.

Qua khảo sát, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Từ khảo sát này có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng, báo Nông nghiệp dẫn lời của bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” năm 2022.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT), đến năm 2018, cả nước có 495.000 ha nông nghiệp hữu cơ, tăng bốn lần so với năm 2016, song, vẫn còn chiếm con số khiêm tốn so với 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Con số này cho thấy dư địa phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn rất lớn. “Đúng là làm hữu cơ thì phải là những người tâm huyết, thực sự mong muốn, cũng như phải có nguồn lực, bao gồm cả vật lực và nhân lực. Bởi vì làm hữu cơ là cả một câu chuyện dài, chứ không phải là một vụ hay hai vụ”, bà Nguyễn Thị Hải Xuân nhận định. “Nếu như chúng ta không chuẩn bị sẵn được nguồn lực thì rất khó khăn trong sản xuất hữu cơ, chưa kể đến vấn đề yêu cầu kỹ thuật”.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đã chọn hướng đi hữu cơ, kết quả thu được khiến họ nhận ra những công sức đã bỏ ra là xứng đáng. Với những bước đi bài bản từ đầu tư công nghệ cho đến phát triển vùng trồng hữu cơ, sau ba năm kể từ khi ra đời vào năm 2019, Sokfarm - doanh nghiệp kinh doanh mật hoa dừa hữu cơ - đã đưa những sản phẩm từ mật hoa dừa bản địa tiến ra thế giới, bao gồm cả những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan. Dù phức tạp song quá trình này giúp Sokfarm hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình.

“Để xuất được lô hàng đầu tiên sang Nhật, mình tốn hơn tám tháng để đàm phán với khách hàng. Sản phẩm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, bao gồm kiểm nghiệm hơn 300 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất. Rồi các quy định về nhãn mác, bên Nhật cũng rất tỉ mỉ. Họ quy định cách ghi, thứ tự thông tin, rồi phông chữ… mình phải sửa tới sửa lui”, anh Phạm Đình Ngãi - Tổng Giám đốc và nhà sáng lập Sokfarm chia sẻ trong một tọa đàm vào tháng 5/2024. “Nếu lúc đó không kiên trì thì chắc sẽ nản, nghĩ rằng họ làm khó mình. Nhưng càng làm, mình càng hiểu hơn về văn hóa của họ. Đây là những bài học để Sokfarm áp dụng cho các sản phẩm sau này, mình làm chuẩn ngay từ đầu thì sản phẩm sẽ đi nhanh hơn, dễ tiếp cận với khách hàng hơn”.

Theo chia sẻ củaTS. Nguyễn Văn Kiền - Giảng viên Đại học Quốc gia Úc - Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics vào năm 2022: “Trong khi các mặt hàng như hạt điều, macca vào thị trường Úc cần được xử lý carbon dioxide, thì các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến hưởng lợi thế quy định thuận lợi. Các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mục và gia vị khô như húng quế, quế,... sẽ có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này nếu đạt chứng nhận hữu cơ".