Liệu pháp thay thế ti thể cho phép em bé thừa hưởng gene từ một người cha và hai bà mẹ với các DNA khỏe mạnh nhất.
Liệu pháp thay thế ti thể sẽ thay một lượng nhỏ DNA bị lỗi trong trứng của người mẹ bằng DNA khỏe mạnh lấy từ một người phụ nữ khác. Nghĩa là em bé ra đời thừa hưởng gene từ một người cha và hai người mẹ. Các nhà khoa học gọi những đứa bé này là trẻ có ba ông bố bà mẹ (“three-parent” babies). Họ cho biết em bé tạo ra bởi ba ông bố bà mẹ sẽ có thể xuất hiện vào cuối năm sau.
Mitochondria hay ti thể được coi là nguồn năng lượng cho tế bào và được truyền từ mẹ sang con qua đường trứng. Bệnh rối loạn ti thể xảy ra với 1 trên 6.500 trẻ, có thể khiến các em thiếu năng lượng, gây ra các bệnh nan y khác. Trẻ mắc bệnh thường có xu hướng biểu hiện rõ rệt thời thơ ấu và đôi khi gây tử vong trước tuổi trưởng thành.
Bằng cách loại bỏ DNA lỗi, các nhà nghiên cứu có thể làm giảm nguy cơ trẻ sơ sinh mắc bệnh ti thể. Các nghiên cứu trước đây cho thấy quá trình này là khả thi về mặt kỹ thuật nhưng còn tồn tại hạn chế trong giai đoạn phát triển tiếp sau đó. Nghiên cứu mới được thực hiện trên 500 trứng do 64 phụ nữ hiến tặng công bố ngày 9.6 trên tạp chí Nature cuối cùng cũng khắc phục được những hạn chế ấy.
Kỹ thuật mới có tên “chuyển tiền nhân sớm” (early pronuclear transfer) không ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về sau và giảm mức độ bị lỗi của ti lạp thể trong phôi.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư Mary Herbert, từ Trung tâm nghiên cứu ti thể Wellcome Trust tại Đại học Newcastle, cho biết: "Sau khi vượt qua những thách thức kỹ thuật và sinh học quan trọng, chúng tôi lạc quan rằng kỹ thuật đã phát triển sẽ giảm nguy cơ những người phụ nữ truyền DNA mang ti thể bệnh cho con cái họ". Bà nói thêm: “Tôi muốn cảm ơn những người phụ nữ hiến tặng trứng cho nghiên cứu. Việc này sẽ không thể thực hiện được mà không có sự giúp đỡ của họ”.
Giáo sư Doug Turnbull, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ti thể và đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu sử dụng trứng của người bình thường là một bước tiến lớn trong công trình của chúng tôi hướng tới việc ngăn ngừa lây truyền bệnh DNA ti thể. Không tìm thấy bằng chứng cho thấy kỹ thuật này không an toàn. Phôi được tạo ra có tất cả các đặc điểm có thể dẫn đến việc mang thai”.
Ông đánh giá: “Nghiên cứu của chúng tôi trên tế bào gốc cho thấy nó có thể không đạt hiệu quả 100% trong ngăn ngừa lây truyền nhưng đối với những người phụ nữ mang đột biến thì nguy cơ truyền sẽ thấp hơn nhiều so với thụ thai tự nhiên”.
Nghiên cứu hiện đang được Cơ quan ủy quyền phôi học và sinh sản con người - Human Fertilisation and Embryology Authority (HFEA) xem xét, xác định liệu nó có được cấp phép và hoàn thành các thủ tục để trở thành phương pháp điều trị cho phụ nữ hay không. Giáo sư Turnbull hi vọng những đứa trẻ đầu tiên ứng dụng phương pháp này sẽ được tạo ra vào cuối năm tới.
Theo Khám Phá