Mặc dù nguyên nhân chính gây ra stress ôxy hóa là các gốc tự do ôxy hóa, nhưng để phát triển bình thường, cơ thể con người vẫn cần đến chúng ở một liều lượng nhất định.

Việc ức chế enzyme tham gia vào việc sản sinh ra các gốc tự do ôxy hóa ở loài cá ngựa vằn đã làm gián đoạn việc truyền tín hiệu giữa mắt và não - Ảnh: Đại học Purdue, M

Việc ức chế enzyme tham gia vào việc sản sinh ra các gốc tự do ôxy hóa ở loài cá ngựa vằn đã làm gián đoạn việc truyền tín hiệu giữa mắt và não - Ảnh: Đại học Purdue, M

Theo Medical Xpress, các gốc tự do ôxy hóa (Reactive Oxygen Species - ROS) thường được biết đến là nguyên nhân chính gây ra stress ôxy hóa. Nồng độ của các gốc tự do ôxy hóa tăng mạnh trong cơ thể khi mắc bệnh và khi bị các yếu tố gây căng thẳng bên ngoài tác động. Điều này gây tổn thương cho các tế bào và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến chứng vô sinh và ung thư.

Một nghiên cứu mới được tiến hành tại Đại học Purdue, Mỹ, cho thấy rằng để cơ thể phát triển bình thường, chúng ta vẫn cần các gốc tự do ôxy hóa với nồng độ nhất định. Các chuyên gia đã nghiên cứu NADPH oxidase (NOX), một loại enzyme tham gia vào việc sản sinh ra các gốc tự do ôxy hóa ở loài cá ngựa vằn. Theo các kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí The Journal of Neuroscience, các nhà khoa học khẳng định việc ức chế enzyme này bằng hợp chất Celastrol đã gây trở ngại cho việc truyền tín hiệu giữa mắt và não.

Đặc biệt, sự hình thành lớp tế bào hạch (Ganglion cell) và dây thần kinh thị giác, chịu trách nhiệm truyền tín hiệu từ võng mạc đến não, đã bị trục trặc. Bằng cách sử dụng công nghệ chỉnh sửa gien CRISPR, các nhà nghiên cứu đã khẳng đinh những kết luận trên của họ. Ngoài ra, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ vai trò của các phân tử NADPH oxidase (NOX). Họ phát hiện ra rằng các phân tử NOX2 là cần thiết cho sự phát triển của tế bào thần kinh, còn các phân tử NOX5 là quan trọng cho sự phát triển của toàn bộ cơ thể.