Tuy nhiên, điều này đang bị hạn chế do thiếu nhân lực vận hành.
Các nghiên cứu viên đang làm việc với hệ thống giải trinh tự gen thế hệ mới tại phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gene. Ảnh: Châu Long
PGS-TSKH Trương Quang Học cũng coi việc cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhu cầu là một hướng đi tốt cho các PTN trọng điểm và đây là cách mà các nước áp dụng: “Hồi tôi nghiên cứu ở Đức, Ba Lan, khi muốn làm thí nghiệm, chỉ cần đưa yêu cầu cho lab và trả tiền. Người đặt hàng có thể cùng ngồi, chứng kiến kỹ thuật viên thao tác tại lab”.
Để có thể đáp ứng các đơn đặt hàng, GS Học cho rằng các PTN trọng điểm cần đào tạo hệ thống kỹ thuật viên sử dụng thành thạo trang thiết bị hiện có: “Phải xem nhu cầu của xã hội là gì, từ đó biến PTN trọng điểm thành nơi cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật. Nghĩa là khi các đề tài đặt hàng, PTN thực hiện và trả kết quả nhưng phải dựa trên cơ chế thị trường cởi mở, có cơ chế giám sát hiệu quả từ phía Nhà nước”.
Theo ông, cần chú trọng đầu tư theo hướng trọng điểm mà Nhà nước đặt ra, sau đó nếu trung tâm nào có triển vọng phát triển theo định hướng của Nhà nước, các PTN cần lên kế hoạch đầu tư dần để thành trung tâm nghiên cứu lớn mạnh.
GS Học cũng cho rằng, để làm dịch vụ tốt, không nhất thiết phải mua thêm máy móc: “Ở Đức và Ba Lan, các cơ quan không bao giờ sắm đủ máy móc mà chỉ mua một trong số thiết bị cần thiết nhất. Mỗi cơ quan đều có dịch vụ riêng, phân chia theo tính năng của thiết bị, chức năng của đơn vị hoặc theo phân vùng địa lý (khai thác phục vụ cả nước hay chỉ riêng một vùng, miền).
Về nguyên tắc, máy móc, thiết bị dù hiện đại đến đâu mà không khai thác cũng sẽ hỏng, mỗi năm mất tới 20% khấu hao. Do đó, cần phải nhìn ở góc độ thị trường để khai thác tối đa các thiết bị đã đầu tư. Để làm được điều này, vấn đề quan trọng nhất là đầu tư cho nhân lực vận hành”.