Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham (Anh) đã phát triển một hệ thống thuật toán học máy (machine learning) có thể dự đoán nguy cơ tử vong sớm của một người do bệnh mãn tính gây ra.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Phương pháp này sử dụng máy tính để xây dựng mô hình dự đoán rủi ro dựa trên một loạt các yếu tố nhân khẩu học, sinh trắc học, kết quả thăm khám và điều trị của bệnh nhân, các yếu tố lối sống của mỗi cá nhân như chế độ ăn uống, tập thể dục mỗi ngày.

Để thử nghiệm hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI), các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu sức khỏe của hơn 500.000 người dân ở độ tuổi từ 40 đến 69 được thu thập từ dự án Biobank của Anh từ năm 2006 đến năm 2010. Trong khoảng thời gian này, gần 7.500 người đã chết, phần lớn là do ung thư và các bệnh khác.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE cho thấy, hệ thống AI mới có thể xác định chính xác 64 – 76% trường hợp tử vong sớm. Để so sánh, mô hình dự đoán truyền thống Cox được phát triển bởi các chuyên gia nghiên cứu về con người chỉ có độ chính xác khoảng 44%.