Bước đột phá y học này có thể giúp cải thiện đáng kể các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer, các vấn đề về tim mạch, ung thư và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Cấu trúc mô tả hệ thống mạch máu hình thành khi nuôi cấy
Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu, các mạch máu người phát triển trong một đĩa nuôi cấy chứa các organoids (những mẫu mô nhỏ được nuôi cấy 3D có nguồn gốc từ tế bào gốc) có thể tái tạo những cơ quan phức tạp. Những nghiên cứu về organoids này được công bố vào ngày 16 tháng 1 năm 2019, trên tạp chí Nature.
Josef Penninger, người đứng đầu nghiên cứu này, là giám đốc Viện Khoa học sự sống tại Đại học Bristish Columbia, gọi nghiên cứu này là cuộc cách mạng đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, vì nó có thể giúp cải thiện các phương pháp điều trị những biến chứng về mạch máu, một nguyên nhân gây tử vong phổ biến. Phát hiện này cũng đem lại những tiến bộ trong điều trị bất kỳ bệnh liên quan đến mạch máu.
"Mỗi cơ quan trong cơ thể chúng ta đều được liên kết với hệ thống tuần hoàn," Penninger giải thích trong một thông cáo báo chí. "Do vậy, nghiên cứu này cho phép làm sáng tỏ nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị cho nhiều loại bệnh mạch máu, từ bệnh Alzheimer, bệnh tim mạch, các vấn đề chữa lành vết thương, đột quỵ, ung thư và dĩ nhiên là bệnh tiểu đường".
Trước đó, Penninger và các cộng sự đã cố gắng tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị các triệu chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm lưu thông máu yếu dẫn đến oxy cung cấp cho các mô giảm gây suy thận, đau tim, đột quỵ, mù và bệnh động mạch ngoại biên. Mặc dù tỷ lệ phổ biến của những hệ quả này khá cao, nhưng rất ít thông tin về sự suy giảm mạch máu được thấy ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Sau khi nuôi thành công "Hệ thống mạch máu 3D từ các tế bào gốc đa năng” và ghép các mạch máu này lên chuột, họ thu nhận được kết quả là các mạch máu này có chức năng hoàn hảo, bao gồm cả động mạch và mao mạch. Các tế bào gốc đa năng có khả năng tự sao chép và tạo ra tất cả các tế bào của các mô trong cơ thể. Các mạch máu khi tạo ra giống hệt với cấu trúc và chức năng của các mạch máu người thật, có thể đưa vào thử nghiệm cận lâm sàng.
Các oganoids có sự tương đồng lớn với mao mạch của người, thậm chí ở mức độ phân tử, và bây giờ chúng có thể được dùng để nghiên cứu các bệnh về mạch máu trực tiếp trên cơ thể con người.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết thêm, nghiên cứu đã đưa đến việc phát hiện ra một loại enzyme trong cơ thể ngăn chặn sự dày lên của thành mạch máu - một triệu chứng chính của bệnh tiểu đường - trên mô hình động vật. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân gây bệnh mạch máu cũng có thể được tìm ra và có phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa.