Người Mông ăn Tết từ đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn khoảng một tháng so với người Kinh. Trong ngày Tết, họ không ăn rau mà chỉ ăn thịt, uống rượu. Sáng mùng 3 Tết, người Mông mới bắt đầu ăn các món thực vật như rau cải, đậu phụ.
Chiều 30 Tết, người chủ của gia đình sẽ dùng vỏ cây nhớt lấy trên rừng, bôi vào các tờ giấy bạc để dán khắp nơi trong nhà như đồ dùng sản xuất, cửa, cột,... Buổi tối, mọi nhà đều nấu cháo để sáng mùng 1 mời trâu, bò ăn.
Đêm giao thừa, hầu hết người Mông không ngủ mà ngồi uống rượu thâu đêm chờ trời sáng. Khi tiếng gà gáy đầu tiên của sáng mồng 1 cất lên, người chủ gia đình sẽ đem 1 ít rượu, muối và xôi rắc trước cửa nhà thay cho lời mời Thổ công vào đón Tết cùng gia đình.
Các món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông là bánh dày và rượu ngô. Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, người Mông kiêng ăn dày nướng vì nếu ăn bánh dày nướng, năm đó sẽ gặp nhiều hạn tai ương, sẽ bị chết cháy.
Trong ngày mồng 1, đàn ông sẽ dậy sớm làm tất cả mọi việc, còn phụ nữ Mông sẽ “được phép” ngủ muộn hơn. Đây được xem là việc làm thay cho “lời cảm ơn” của người đàn ông tới người vợ một năm qua đã vất vả chăm lo cho gia đình.
Người Mông còn có tục thờ dụng cụ lao động sản xuất. Theo đó, tất cả những công cụ lao động hàng ngày sẽ được rửa sạch sẽ, dán một mảnh giấy đỏ đưa lên bàn thờ trong 3 ngày Tết.
Một trong những trò chơi ngày Tết mà người Mông rất thích là ném papao; ngoài ra còn có múa khèn, múa ô, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ...