Tổ chức Khí tượng Thế giới ghi lại con sóng cao kỷ lục trên biển ở Bắc Đại Tây Dương, có độ cao lớn hơn cả một tòa nhà 6 tầng.

con-song-ky-luc-cao-hon-toa-nha-6-tang-o-dai-tay-duong

Vòng tuần hoàn gió và áp suất khí quyển ở Đại Tây Dương có thể tạo ra những cơ bão cực mạnh. Ảnh: AFP.

Tổ chức Khí tượng học Thế giới (WMO) ghi nhận con sóng cao 19 m ở Bắc Đại Tây Dương giữ kỷ lục sóng cao nhất thế giới, theo International Business Times. Con sóng khổng lồ cao hơn tòa nhà 6 tầng hình thành ở vùng biển xa xôi giữa Anh và Iceland hôm 4/2/2013 nhưng hơn ba năm sau mới được chính thức xác nhận.

Trước đó, con sóng cao nhất do phao nổi ghi lại cũng ở Bắc Đại Tây Dương vào tháng 12/2007, có độ cao 18,275 m. WMO lưu trữ số liệu về sóng cao và những hiện tượng thời tiết bất thường khác trong cơ sở dữ liệu Global Weather & Climate Extremes Archive.

Sóng ở vùng biển rộng được đo từ đỉnh một con sóng đến vùng lõm của con sóng tiếp theo. Khu vực giữa Anh và Iceland thường sản sinh những con sóng lớn do hoạt động của gió trong khu vực dễ tạo ra những cơn bão cực mạnh, theo WMO.

Tốc độ gió khi con sóng cao kỷ lục hình thành là khoảng 81 km/h. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi đo được sóng cao 19 m. Đó quả là một kỷ lục đáng chú ý", WenjianZhang, tổng thư ký của WMO, chia sẻ.

Dù đây là đạt kỷ lục cao nhất trên biển, con sóng có thể cao hơn khi đến gần bờ do các lớp sóng xô nhau. Năm 1958, con sóng sinh ra sau vụ lở đất ở vịnh Lituya, Alaska, Mỹ, cao tới 30 m và phá hủy cây cối mọc ở độ cao 518 m trên mực nước biển.