Năm 1962, ba nhà khoa học được giải Nobel Y-Sinh học đã cảm ơn những người đi trước và đồng nghiệp đã cộng tác, nhưng họ đã “quên” không nhắc tới Rosalind Elsie Franklin, người mà nếu không có công trình của người ấy, chắc chắn họ không thể nào tìm ra được DNA - “bí mật của sự sống”.
Nữ khoa học gia về nhiễu xạ tia X
Rosalind Franklin được sinh ra ở London trong một gia đình người Anh gốc Do Thái. Cha của Rosalind, ông Ellis Arthur Franklin, là giáo sư Vật lý ở một trường Cao Đẳng ở London. Lúc nhỏ, Rosalind học trường nữ Lindores ở Sussex, rồi trường nữ trung học Saint Paul, London.
Năm 1938, cô vào Newnham College thuộc trường Đại học Cambridge. Năm 1941, tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật lý, cô kiếm được một học bổng nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Lý-Hóa dưới sự điều khiển của giáo sư Ronald Norrish.
Sau một thời gian ngắn làm việc, cảm thấy không phù hợp với cách làm việc của giáo sư Norrish, Rosalind xin thôi, rồi năm 1942 cô qua làm cho Hiệp hội nghiên cứu Than Anh quốc (The British Coal Utilisation Research Association), một hiệp hội phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về cấu trúc vi mô của nhiều loại than khác nhau. Tại đây, năm 1945, cô hoàn tất văn bằng tiến sĩ.
Năm 1947, cô sang Paris làm nghiên cứu hậu-tiến sĩ (post-doc) ở Phòng thí nghiệm Trung ương Hóa học (Laboratoire Central des Services Chimiques de l’État) dưới sự hướng dẫn của Jacques Mering (1904 – 1973), một chuyên gia tài năng về Tinh thể học tia X. Rosalind học ở Mering rất nhiều kiến thức và kỹ năng về tinh thể học tia X. Trong thời gian làm việc ở đây, cô có nhiều bài báo nghiên cứu Lý-Hóa vi mô về than thông qua phương pháp nhiễu xạ tia X và nhiều phương pháp khác.
Người đặt nền móng cho việc tìm ra DNA - “bí mật của sự sống”
Năm 1950, Rosalind về King’s College London phụ trách nhóm nghiên cứu Sinh-Lý (Bio-Physics) của Hội đồng Nghiên cứu Y học (Medical Research Council) do John Randall làm giám đốc. Đầu tiên Randall giao cho cô nhiệm vụ là dùng kỹ thuật nhiễu xạ tia X để dựng mô hình protein và lipid, nhưng sau đó ông lại hướng cô sang nghiên cứu sợi DNA bởi vì ngành này đang phát triển và được nhà trường quan tâm đặc biệt, hơn nữa thời ấy, cô là chuyên viên duy nhất về nhiễu xạ tia X của King’s College. Nhóm làm việc của cô có Maurice Wilkins, một chuyên viên cùng ngành với cô, và Raymond Gosling, một nghiên cứu sinh tiến sĩ có nhiệm vụ trợ giúp Rosalind.
Mối quan hệ giữa Wilkins và Rosalind Franklin không êm ả vì tính khí hai người khác nhau. Tuy vậy, nghiên cứu sinh Raymond Gosling, cộng tác viên của bà, đã hỗ trợ bà trong mọi bài báo về DNA. Thông qua việc chụp những tấm hình X- quang họ đã tìm ra hai dạng của DNA, dạng “ướt” với cấu trúc hình thang xoắn và dạng “khô” với cấu trúc khác hoàn toàn. Rosalind được giao nhiệm vụ nghiên cứu xem cấu trúc nào mới thực sự là cấu trúc của DNA. Sau khi xây dựng máy tia X tân tiến hơn, bà đã chụp lại được hai hình ảnh tốc độ phân giải cao của DNA - một trong số đó là bức ảnh nổi tiếng có tên “Photo 51”.
Cũng vào thời điểm đó, hai nhà sinh học Francis Crick và James Watson đang cố gắng xây dựng một mô hình lý thuyết của DNA tại phòng thí nghiệm Cavendish thuộc trường Đại học Cambridge. Tháng 1 năm 1953, Wilkins đã chuyển giao cho hai người này “bức ảnh 51” cùng với tóm tắt bản nghiên cứu chưa được công bố của Rosalind Franklin mà không hề báo cho Rosalind Franklin và Raymond Gosling hay biết.
Giữa tháng 2 năm 1953, Francis Crick và James Watson bắt đầu xây dựng mô hình phân tử DNA dựa trên tính toán khoa học về tinh thể học của Rosalind Franklin. Ngày 25 tháng 4 năm 1953, tạp chí Nature đăng bài cấu trúc xoắn kép của DNA của Watson và Crick và chỉ chú thích nhỏ (footnote) về việc tham khảo tư liệu “chưa được xuất bản” của Franklin.
Giữa tháng 3 năm 1953, Rosalind Franklin rời khỏi King’s College để chuyển đến làm việc tại phòng thí nghiệm của John Desmond Bernal tại Birkbeck College. Giám đốc John Randall quyết định rằng mọi công trình nghiên cứu Rosalind Franklin phải để lại King’s College mặc dù trong thời gian này Rosalind sắp giải đáp được bài toán cấu trúc DNA.
Sau khi rời khỏi phòng thí nghiệm King’s College, Rosalind Franklin bắt đầu nghiên cứu trên tinh thể đồ các virus cùng với đồng nghiệp Aaron Klug, người Nam Mỹ (Aaron Klug sau này trở thành nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới trong 3 lĩnh vực: than, DNA và virus).
Giữa năm 1956, trong chuyến công tác đến Mỹ, Rosalind Franklin bắt đầu nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của mình. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư buồng trứng. Năm 1958, bà qua đời. Bốn năm sau, năm 1962, giải Nobel Y-Sinh học được trao cho James Watson, Francis Crick, và Maurice Wilkins về khám phá ra cấu trúc của DNA mà tên của bà không hề được nhắc tới.
Dù cuộc sống ngắn ngủi nhưng Rosalind Elsie Franklin đã có những cống hiến to lớn cho nền khoa học của nhân loại và dù không được ghi nhận bằng giải thưởng Nobel nhưng các thế hệ sau vẫn nhớ đến bà là người có công lớn trong việc tìm ra ADN - “bí mật của sự sống”.
Tài liệu tham khảo.
1. History of Scientific Women:
https://scientificwomen.net/women/franklin-rosalind-38
2. Women in Science: Rosalind Franklin:
https://www.jax.org/news-and-insights/jax-blog/2016/july/women-in-science-rosalind-franklin
3. Rosalind Fkanklin:
https://en.wikipedia.org/wiki/Rosalind_Franklin.