Kết quả phân tích ADN bộ xương của một phụ nữ La Mã sống vào 2.000 năm trước cho thấy đây là một người đàn ông.

nguoi-dan-ong-trong-than-xac-phu-nu-cach-day-2000-nam

Bộ xương người phụ nữ mang nhiễm sắc thể nam. Ảnh: Bảo tàng London.

Theo các nhà khoa học, chỉ một vài trong số 1.000 ca sinh là bé trai mang nhiễm sắc thể bé gái và ngược lại. Một trường hợp như vậy được các nhà khoa học Anh phát hiện trên bộ xương của người phụ nữ sống dưới thời La Mã khoảng 2.000 trước, Ancient Origins hôm qua đưa tin.

Bộ xương của người phụ nữ được khai quật năm 1979. Theo các nhà nghiên cứu, người phụ nữ sống vào khoảng năm 50 - 70 trước Công nguyên, khi London thuộc về đế chế La Mã với tên gọi Londinium. Nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Anh và các viện khác phân tích ADN của 4 trong 20.000 bộ xương mà bảo tàng đang lưu giữ để tìm hiểu thành phần nhân chủng của thành phố.

Thông qua kiểm tra, nhóm nghiên cứu kết luận London thời La Mã có thành phần nhân chủng phong phú không kém ngày nay, số người da trắng chỉ chiếm 45 % và hơn 100 ngôn ngữ được sử dụng ở nhiều khu phố khác nhau.

Nằm trong số 4 bộ xương được nghiên cứu, người phụ nữ chết ở độ tuổi 26 - 35. Phân tích hóa chất trong răng chỉ ra người phụ nữ ra đời tại Anh, dù tổ tiên bên ngoại đến từ Bắc Âu. Cô gái có mắt nâu và mái tóc màu nâu sẫm.

nguoi-dan-ong-trong-than-xac-phu-nu-cach-day-2000-nam-1

Trong ADN của người phụ nữ có cả nhiễm sắc thể X và Y. Ảnh: Ancient Origins.

Người phụ nữ được chôn trong quan tài gỗ. Một chiếc vòng cổ đặt dưới chân cô gái, có thể để chỉ người chết là phụ nữ. Ngoài ra, trong quan tài còn có một chiếc bình để ở đầu và gương đồng đặt ở chân người chết. Tất cả những món đồ tạo tác này cho thấy người phụ nữ có vai trò quan trọng và nắm giữ địa vị cao.

"Bộ xương tìm thấy ở đường Harper, London, là của phụ nữ xét về mặt hình dáng. Khung xương chậu và đặc điểm hộp sọ dùng để xác định giới tính đều cho kết quả là phụ nữ", người phát ngôn Bảo tàng London, cho biết. Tuy nhiên, người phụ nữ có cả nhiễm sắc thể X và Y và là nam giới trên khía cạnh gene. Nhóm nghiên cứu không rõ người phụ nữ mang cơ quan sinh dục của giới nào.

Một hội chứng tên Androgen Insensitivity Syndrome khiến bệnh nhân có hình dáng nữ nhưng mang nhiễm sắc thể nam. Nhưng theo các nhà khoa học, thông tin về tình trạng của người phụ nữ cổ đại không đủ để khẳng định đây là nguyên nhân dẫn đến đặc điểm kỳ lạ trên. Tuy không có bằng chứng về hành vi hoặc hình dáng người phụ nữ, từ những đồ mai táng trong mộ, có thể thấy cô gái được cộng đồng chấp nhận và thậm chí tôn kính.