Tom Gleeson - ĐH Victoria (Canada) và cộng sự vừa công bố nghiên cứu về tổng trữ lượng nước ngầm trên Trái đất. Theo đó, Trái đất có khoảng 23 triệu kilômét khối nước ngầm, đủ để nhấn chìm cả thế giới xuống độ sâu gần 180m hoặc khiến mực nước biển dâng cao thêm 52m.

Một giếng bơm nước tại California, Mỹ. Nguồn: Thevalleycitizen
Một giếng bơm nước tại California, Mỹ. Nguồn: Thevalleycitizen

Nhà khoa học Tom Gleeson - Đại học Victoria (Canada) và cộng sự vừa công bố một nghiên cứu về tổng trữ lượng nước ngầm trên Trái đất. Họ đã phân tích một số lượng lớn mẫu nước ngầm, kết hợp với dữ liệu bao gồm các kết quả đo bằng tritium phóng xạ. Sau đó, họ lập các mô hình trên máy tính để dự đoán tổng lượng nước ngầm hiện có.

Kết quả cho thấy, Trái đất có khoảng 23 triệu kilômét khối nước ngầm, đủ để nhấn chìm cả thế giới xuống độ sâu gần 180m hoặc khiến mực nước biển dâng cao thêm 52m.

Tuy nhiên, phần lớn trong số này là nước ngầm “cổ đại” được hình thành hàng ngàn, hàng triệu năm trước, không tham gia vào vòng tuần hoàn nước và nằm quá sâu để có thể khai thác.

Lượng nước ngầm mới hình thành chỉ chiếm chưa đến 6% tổng lượng nước nói trên. Nó nằm gần bề mặt và chính là một phần của vòng tuần hoàn nước trên thế giới. Đây cũng chính là loại nước đang được con người khai thác, dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

“Ý nghĩa của nghiên cứu này là để cho thấy, nguồn nước ngầm mới hình thành là loại nước có khả năng tái tạo, nhưng cũng rất nhạy cảm với ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Nó là một nguồn tài nguyên hữu hạn, đang được sử dụng quá nhiều và cạn kiệt tại nhiều nơi. Lượng nước ngầm ở nhiều khu vực đang giảm nhanh hơn lượng nước được bổ sung. Nguồn nước ngầm đang được sử dụng không bền vững. Đây là điều đáng báo động, bởi hơn 1/3 dân số thế giới uống nước ngầm hằng ngày và nguồn nước này rất quan trọng đối với nông nghiệp, môi trường” - ông Tom Gleeson cảnh báo.