"Rắn lạ" ở U Minh hạĐêm, sâu trong rừng đặc dụng Vồ Dơi - nơi được coi là khu rừng tràm nguyên sinh cuối cùng của rừng U Minh hạ - không gian yên tĩnh bỗng chốc náo động bởi tiếng bọn khỉ và tiếng thét của con chồn mướp. Khi vệt đèn pin hướng về bầy khỉ, mọi người mới chết điếng: con chồn chỉ còn là cái xác đu đưa trên ngọn tràm cao gần 10 mét, trong hàm con rắn khổng lồ.
Anh Nguyễn Văn Của, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Cà Mau kể: Trước cảnh tượng này, cả đội chạy về hạt báo cáo trong tâm trạng thất thần. Anh phải động viên anh em hết lời, họ mới chịu quay trở lại chốt canh. Cách đây không lâu, chính anh Của cũng đã "đụng" một con rắn khổng lồ khi cùng một kiểm lâm viên chạy xe gắn máy kiểm tra các chốt canh trong rừng Vồ Dơi. Trước đó, ở vạt rừng cạnh Vồ Dơi có nông dân trong lúc phát quang bụi rậm cũng vô tình chặt đứt đuôi con rắn. Khi đem về cân thử một phần nhỏ của cái đuôi cũng đã nặng 7,5 kg...
Cứ thế, những câu chuyện nửa thực nửa hư về loài rắn khổng lồ trong rừng Vồ Dơi đã khiến nhiều tay phong ngạn (lấy mật ong) không dám bén mảng vào rừng, trừ các "ông thầy thuốc rắn".
Ông Trịnh Văn Ớt hơn 10 lần bị rắn độc cắn nhưng đều tự chữa khỏi. Ảnh: Tiến Trình Những thầy thuốc rắn cuối cùng
Hồi tháng 4 năm nay, ông Trịnh Văn Ớt, một tay bắt rắn lão luyện ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh (Cà Mau) khi ngà ngà hơi men đã nói với ông Trưởng công an huyện: "Nếu anh ký giấy cho tôi vào rừng, một ngày tôi nộp cho Nhà nước 500 ngàn đồng; còn ở Vồ Dơi, ai cho tôi vô, tôi đưa liền 1 triệu".
Cách đó 2 cây số, ông thầy thuốc rắn tên Phan Văn Thuận xuýt xoa: "Làm nghề thuốc rắn cứu người mấy chục năm nay, nhiều loại rắn như hổ long, hổ trâu, hổ chúi... đều thấy. Nhưng từ đầu năm tới nay, người ta chở tới tôi nhiều trường hợp bị rắn lạ cắn. Ngay cả rắn hổ phướng sống trên núi bây giờ cũng xuất hiện".
Trên toàn U Minh hạ chỉ còn trên dưới 20 người có khả năng cứu người bị rắn độc cắn. Phân nửa số này vẫn còn đi lục lạo từng xó xỉnh, từ bờ ruộng tới mé rừng bắt rắn làm kế sinh nhai. Ông Trịnh Văn Ớt kể: Năm 20 tuổi, ông đi chiến trường Campuchia trong hàng ngũ Sư đoàn 330. Khi trở về, duyên may sao đó khiến ông gặp được một vị tiền bối truyền lại nghề thu phục rắn, với lời nguyền: Khi dùng những gì học được để cứu người thì không được lấy tiền. Nhưng cuộc sống khó khăn, ông đã dùng những gì mình học được để... đi bắt rắn. Những năm 1984 -1985, có ngày ông bắt được mấy bao rắn, kiếm vài triệu đồng. Có tiền, ông mua được 14 công ruộng phòng thân. Những năm trở lại đây, rừng tràm qua mấy mùa cháy lớn, diện tích bị thu hẹp dần. Do rừng ngày càng được canh giữ nghiêm, những người như ông rất khó đặt chân vô.
Bản thân ông Ớt hơn 10 lần bị rắn cắn nhưng đều tự chữa cho mình được. Ông không nhớ hết đã từng cứu sống bao nhiêu người bị rắn độc cắn, mà chỉ nhớ lần duy nhất ông bó tay. Đau đớn thay, đó lại chính là anh ruột của ông tên là Trịnh Văn Thắng, cũng làm nghề bắt rắn. Ông Trịnh Văn Thắng đã 26 lần bị rắn cắn đều được ông Ớt chữa lành. Đến lần thứ 27, ông bị rắn hổ chúa cắn, ông Ớt đã mời 5 ông thầy thuốc rắn giỏi nhất nhì U Minh đến cùng chữa nhưng tất cả đều chịu thua. "Hổ chúa" chính là loài rắn mà các thầy rắn ở U Minh đều e dè. Tương truyền rằng loài rắn này có thể gáy để gọi con mồi, và đã có quá nhiều cao thủ bắt rắn đã "tử nghiệp" vì nó.
40 năm làm thầy thuốc rắn từ người cha truyền lại, ông Phan Văn Thuận, 67 tuổi, cũng không nhớ hết mình đã cứu bao nhiêu người. Trong bán kính trên dưới 10 km từ nhà, hằng năm luôn có vài chục trường hợp bị rắn độc cắn được ông trị khỏi. Ông luôn tự hào là trong 40 năm làm công việc này, ông chưa một lần cầm tiền thù lao của người gặp nạn.
Báo ứng?Trị bệnh không ăn tiền, không dùng khả năng có được để hại người, không lạm sát loài rắn là 3 điều mà các ông thầy rắn U Minh coi như là cái đức phải giữ. Thực tế, đã có không ít thầy thuốc rắn phải trả giá bởi vi phạm điều cấm. Hai ông thầy thuốc rắn được coi là giỏi nhất xứ U Minh từ trước tới nay cũng đã có một kết cuộc như thế. Họ đều có khả năng "khiển" được rắn hổ chúa, nhưng cả hai đều nghèo, sống đời rày đây mai đó. Ông Tám Rớt sống bằng nghề bắt rắn bán. Có bận ông Tám đã gặp con rắn rất lạ "dám" phùng mang với ông. Lần đó, ông đã bỏ hết bao rắn mấy chục con. Lần khác, ông đi bắt mấy bao rắn bỏ trên xuồng, khi bơi về nhà thì cũng chính con rắn ấy như chực sẵn dưới khoang xuồng "đớp" ông một phát. Nghe tin, những ông thầy thuốc rắn giỏi nhất xứ U Minh đã tụ lại, người vuốt bùa, người đổ thuốc, nhưng ông Tám lắc đầu bảo đã đến lúc phải "trả nợ".
Cái chết của thầy Tám Rớt đã để lại một khoảng trống không nhỏ trong giới hành nghề thuốc rắn ở U Minh. Thầy Năm Ngọc được coi là cao thủ số một còn lại. Tuy là thầy thuốc rắn bậc nhất, nhưng ông lại làm nghề "đâm hà bá" (bắt cá trên sông). Người ta còn nhớ chuyện ông Năm Ngọc bị mất 2 con cá ngát to. Ông tức tối tuyên bố nếu ai đã lấy cắp con cá thì phải trả ông lại... con heo. Mười ngày sau, có một người tên M. ở Hương Mai bị rắn độc cắn lúc đi phát ruộng. Ông Năm Ngọc nói muốn khỏi thì phải cúng heo. Hóa ra, chính anh M. là người trộm 2 con cá của ông Năm Ngọc. Ông Năm Ngọc là thầy thuốc rắn nổi tiếng ở cả 2 phương diện: cứu người và "khiển" rắn cắn người. Về cuối đời, ông sống trong tâm trạng bấn loạn, thường chui xuống gầm sàn nằm như... rắn. Người ta bảo ông bị "tổ hành"!
Những câu chuyện huyền hoặc như trên có lẽ sẽ chẳng thể chứng minh bằng lăng kính khoa học. Có điều người dân U Minh trước nay có thói quen khi bị rắn cắn là gửi trọn niềm tin, sinh mạng cho những ông thầy thuốc rắn như quán tính tự nhiên. Thế nhưng, rồi những thầy thuốc rắn cũng sẽ không còn, như những huyền thoại đang nhạt dần ở rừng U Minh...