“AIDS - mối đe dọa sức khỏe cộng đồng - giờ đây đã không còn. Nỗ lực phòng, chống AIDS giờ đây sẽ được dồn cho việc phòng, chống HIV” - chuyên gia dịch tễ học Andrew Grulich - người đứng đầu chương trình dịch tễ học và phòng, chống HIV tại Viện Nghiên cứu lây nhiễm và miễn dịch trong xã hội Kirby - nói. Viện nghiên cứu này là đơn vị lãnh đạo việc giám sát HIV/AIDS của Australia, có trụ sở tại Đại học New South Wales (UNSW) tại Sydney.
Ông Grulich cho biết, mỗi năm Australia còn khoảng 1.000 người nhiễm HIV. Đây chính là mức mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là ngưỡng cuối cùng trong việc loại bỏ dịch HIV. Dù số người nhiễm HIV mỗi năm vẫn ở con số hàng nghìn, nhưng Australia lại có các phương pháp điều trị hiệu quả, dễ tiếp cận - đồng nghĩa với việc ít người tiến triển đến giai đoạn AIDS.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng vẫn còn nhiều người nhiễm HIV và chẩn đoán thường đến khá muộn - sau khi virus đã bắt đầu gây bệnh. Do đó, họ đang kêu gọi một chiến lược dài hạn để ngăn chặn HIV lây lan. Chiến lược đó phải nhằm vào các cộng đồng dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, những người đàn ông đồng tính bị cô lập và những người không nói được tiếng Anh.
Trong khi đó, Susan Kippax - chuyên gia chính sách xã hội Australia - cảnh báo rằng đại dịch HIV chưa phải đã kết thúc. Trong thập kỷ qua, số ca chẩn đoán mắc HIV đã tăng 13% tại Australia. “Chúng ta cần phải cẩn thận về mặt ngôn từ trong vấn đề này. Bởi lẽ, nhiều khi không thể phân biệt sự khác nhau giữa HIV và AIDS. Do đó, thông tin không chính xác có thể khiến mọi người buông lỏng cảnh giác. Điều này rất nguy hiểm” - bà Susan Kippax nói.
Tuy nhiên, bà Kippax cũng đồng ý rằng việc tỷ lệ mắc AIDS tăng gần như bằng không là đỉnh cao của chiến dịch 33 năm phòng, chống đại dịch này của Australia.