Bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới và cần sự nghiên cứu, tham gia của đội ngũ trí thức. Vì vậy Đảng và Nhà nước luôn luôn lắng nghe để đổi mới phương thức lãnh đạo.
Đó là những thông điệp của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong buổi “Gặp mặt đại biểu trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019” với 100 đại biểu là các trí thức, nhà khoa học trong nước nhân Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 14/5 tại Hà Nội.
Điểm lại tên tuổi những nhân sĩ trong lịch sử đất nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Đầu tư cho trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước sẽ luôn luôn lắng nghe để đổi mới phương thức lãnh đạo”.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, để tiếp tục phát huy nguồn tiềm năng quý giá của lực lượng cán bộ khoa học, “cần phải tạo lập được một hệ sinh thái đồng sáng tạo thực sự mạnh ở trong nước, kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến, chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội nghề nghiệp, sinh sống thuận lợi cho nhà khoa học và gia đình họ. Việc đảm bảo một môi trường trân trọng tri thức và sự sáng tạo; tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; văn hóa chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý nghiên cứu cũng góp phần quan trọng khuyến khích các tài năng khoa học phụng sự đất nước”.
“Bộ KH&CN tin tưởng vào trí tuệ, lòng tự trọng và trách nhiệm đối với công việc, với đất nước của các nhà khoa học Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và đóng góp xây dựng của cộng đồng KH&CN Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, của các đại biểu trí thức KH&CN Việt Nam”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Chuẩn bị cho một bối cảnh chuyển đổi
Các nhà khoa học đã chia sẻ những suy nghĩ về thách thức đang đặt ra trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và bắt nhịp với làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những vấn đề có ý nghĩa sống còn với mục tiêu phát triển bền vững tới đây được đặt ra:
Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế xã hội, và nhà nước đã có quan điểm, chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng đây thực sự là vấn đề phức tạp mà chưa được nghiên cứu đầy đủ ở từng khía cạnh, từ hiện tượng cho tới nguyên nhân, cơ chế tác động, theo GS.TS Nguyễn Đức Ngữ (Trung tâm Khoa học, Công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường). “Không có nghiên cứu thì không đưa ra giải pháp cụ thể được, còn nếu chỉ thực hiện [ứng phó] theo suy nghĩ chủ quan thì lợi bất cập hại”, ông nói.
Quá trình phát triển của đất nước gắn liền với công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng quá trình này đang diễn ra quá nhanh, đặt các nhà khoa học trước yêu cầu phải nghiên cứu, đưa ra những quy hoạch, gợi ý chính sách quản lý phù hợp, theo GS. KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Việt Nam đang là nước có mức độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á. “Chỉ trong vòng 20 năm, tốc độ xây dựng, đặc biệt là xây dựng nhà ở gấp vài trăm lần những gì chúng ta có trước đây” nhưng dường như quy hoạch và quản lý đô thị chưa “bắt nhịp được với tốc độ phát triển bùng nổ của đô thị. “Quá nhiều vấn đề như kẹt xe, ngập nước…cho đến các vấn đề xã hội như người nghèo đô thị, các khu ổ chuột... Tất cả điều đó nói lên bất cập trong quá trình quản lý và phát triển đô thị”, ông Trần Ngọc Chính nói. Khi những vấn đề này còn chưa được giải quyết ổn thỏa thì Việt Nam lại đứng trước yêu cầu xây dựng những loại hình đô thị mới như đô thị thông minh, đô thị xanh, và đặc biệt là đô thị ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu. “Vậy thì công tác quy hoạch cần phải làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu phát triển? Điều đó cần đến sự tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học ở nhiều ngành”.
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ không chờ đợi một nước nào. Cuộc chuyển đổi số tới đây “sẽ tác động tới mọi khía cạnh của đời sống, từ thể chế, luật pháp, cho tới đạo đức”, theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017, Mc Kinsey dự báo có khoảng 400 – 800 triệu người sẽ mất việc bởi chuyển đổi số. Trong ngắn hạn, thị trường lao động sẽ ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, quá trình chuyển đổi số sẽ dẫn tới sự chuyển đổi nghề nghiệp. “Vậy làm thế nào công cuộc chuyển đổi nghề nghiệp này thành công? Câu trả lời ở chính sách đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cho nhân lực trình độ cao có khả năng dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số”, PGS.TS Tạ Hải Tùng nói. Theo anh, đã đến lúc cần có một sự đầu tư căn cơ về nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, mà các trường đại học chính là hạt nhân then chốt cho sự chuẩn bị này. Và để thực hiện được các vai trò chuẩn bị đó, các trường đại học rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp.
Cùng có quan điểm về chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đề nghị để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, nhà nước cần có chính sách phát triển KH&CN trong nông nghiệp theo tinh thần “thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệm” và cần có chính sách gắn đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với khởi nghiệp. Bà cũng đề xuất, Nhà nước cần hỗ trợ thành lập các trung tâm ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp nông nghiệp ở tầm quốc gia. Mặt khác, cần tập trung vào xây dựng các chương trình nghiên cứu mang tính dài hơi thay vì đặt mục tiêu thực dụng và ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng, sự quan tâm đầu tư cho KH&CN vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng KH&CN phải trở thành động lực cho sự phát triển. Trong khi số lao động KHCN trên một nghìn dân ở châu Âu là hoảng 10 người, của Israel là 17 người, Trung quốc khoảng hơn 2 người, thì Việt Nam mới có lực lượng rất mỏng - chỉ là 0,68 người. Đầu tư cho khoa học của Việt Nam chưa đến 2% tổng chi ngân sách trong khi tỉ lệ bình quân trên các nước OECD là 2,8%, Hàn Quốc hơn 4%. “Những con số của chúng ta thực đáng suy ngẫm”, GS.TS Nguyễn Quang Liêm (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nói. “Muốn làm được nhiều hơn thì chúng ta phải có được nhiều nguồn lực đầu tư, phải đào tạo đội ngũ”.
Đầu tư cho khoa học phải chấp nhận rủi ro
Phát biểu kết luận tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết “trân trọng tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học”. Qua góp ý của các nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận nhiều nơi, nhiều lúc, trong chỉ đạo thực hiện chưa thực sự coi “khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Do đó, có thực tế là, “mặc dù luật quy định chi 2% ngân sách cho khoa học và công nghệ, nhưng từ 2001 tới bây giờ, năm nào cao được hơn 1,8%, năm thấp thì 1,4%. Điều đáng nói là gần đây con số này có xu hướng giảm dần”.
Theo Phó Thủ tướng, để khắc phục tình trạng này, cần phải thực hiện tốt bốn vấn đề: Thứ nhất, cần có những đột phá trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ. Trước hết, hoạt động chỉ đạo, điều hành phải làm đúng với định hướng “khoa học là quốc sách hàng đầu”, không để sức ép tăng trưởng kinh tế và những mục tiêu ngắn hạn, khó khăn chung lấn át những yếu tố có tính dài hạn. Thứ hai, cần có các chính sách thiết thực về kinh tế để doanh nghiệp thấy được lợi ích khi đầu tư vào khoa học, công nghệ. Thứ ba, phải đổi mới cơ chế thu chi trong khoa học. “Các nhà khoa học vẫn đang quá khổ sở với việc quyết toán, thanh toán đề tài. Nhiều khi để hợp thức hóa được nguồn chi thực tế thì lại phải... sáng tác số liệu. Khoa học là phải chấp nhận tính rủi ro, không thể quản khoa học như thứ khác được. Và phải tin tưởng vào các nhà khoa học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Mặt khác, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tự chủ trong các trường đại học, biến các trường đại học thành những trung tâm nghiên cứu lớn. Đồng thời thay đổi phương pháp dạy học trong các trường phổ thông, chuyển từ truyền thụ kiến thức thụ động, một chiều sang giúp học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, có tư duy tranh luận, tìm tòi, ứng dụng mạnh mẽ các chương trình STEM...