Đặc biệt là tiềm năng đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động KH&CN, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm.
Đây là một mục tiêu được Sở KH&CN Hà Nội đặt ra cho giai đoạn 2017-2020 - theo chia sẻ của Giám đốc sở - tiến sỹ (TS) Lê Ngọc Anh.
Dấu ấn KH&CN
Ông Lê Ngọc Anh cho biết, trong 55 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Hà Nội đã gắn kết hơn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Nhiều đề tài có hàm lượng chất xám cao đã được chuyển giao và ứng dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.Ngành KH&CN Hà Nội ưu tiên nhập khẩu các công nghệ nguồn, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ nội sinh nhằm phát triển cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ, các thiết bị điện, cơ điện tử, tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng.
Từ đây, Hà Nội đã hình thành một số trung tâm gia công CAD/CAM/PLC/CNC, làm hạt nhân cho các khu công nghiệp, công nghệ cao, hỗ trợ cho đào tạo, nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp và làm tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo.
Các sản phẩm khoa học và công nghệ của Hà Nội tham gia Techmart Hà Nội 2016. Ảnh: NV
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Hà Nội cũng nêu rõ sẽ phát triển tiềm lực KH&CN để thành phố trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước, có vị trí cao trong khu vực về sáng chế và ứng dụng KH&CN.
Theo TS Lê Ngọc Anh, Sở KH&CN có nhiệm vụ tham mưu về cơ chế chính sách khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho thành phố Hà Nội để hướng tới mục tiêu đến năm 2020 thành lập mới 200.000 doanh nghiệp, dự kiến 30-35% là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nâng cao tiềm lực KH&CN
Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, công tác quản lý nhà nước về KH&CN của thành phố thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả về các mặt: Công tác tham mưu, tư vấn, triển khai xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch KH&CN kết hợp chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN.
Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (TC-ĐL-CL), sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân tiếp tục được đầu tư và đạt kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô. Tiềm lực KH&CN ngày càng được tăng cường, đội ngũ cán bộ KH&CN trên địa bàn không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng...
Cụ thể, nhiều dự án đã được triển khai như: Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ, Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên, Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, cải tạo, sửa chữa trụ sở và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý TC-ĐL-CL...
Trong các lĩnh vực thuộc sự quản lý của ngành KH&CN, lĩnh vực sở hữu trí tuệ được xác định có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác tổ chức, quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn đã từng bước được tăng cường, giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Lĩnh vực TC-ĐL-CL từng bước được tăng cường trong việc tiếp nhận công bố hợp chuẩn, hợp quy, thanh tra về định lượng hàng đóng gói sẵn, ghi nhãn hàng hoá về chất lượng, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hoá...
Theo ông Ngọc Anh, để Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu của cả nước, việc đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các công nghệ hiện đại là yếu tố quan trọng. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hiệu quả để phát triển nguồn cung, cầu công nghệ. Cụ thể, cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cho phép bảo đảm vay vốn bằng quyền sở hữu, sử dụng, quyền tài sản phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia thị trường mua sắm công...
Ông cũng kiến nghị Bộ KH&CN rà soát sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và chuyển giao công nghệ, đồng thời xúc tiến hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp KH&CN và các định chế trung gian của thị trường KH&CN.