Dưới đây là hàng loạt các ví dụ cho thấy động vật cũng biết nhận thức, đôi khi còn khóc thương hay thực hiện “nghi thức” tiễn biệt trước cái chết của đồng loại.

Patrick aka Herjolf, CC BY-NC-ND)

Hình minh họa. Nguồn: Patrick aka Herjolf, CC BY-NC-ND)

Trong nhiều tuần vừa qua, tin tức về một con cá voi sát thủ cõng xác con mình băng qua biển Salish lạnh giá đã thu hút sự chú ý trên khắp thế giới. Cá voi mẹ, tên là Tahlequah hay J35, đã giữ cho xác cá voi con nổi trên mặt nước lâu nhất có thể rồi cuối cùng thả xuống sau 17 ngày.

Trường hợp của Tahlequah là một trong những ca động vật có vú hải dương biểu hiện sự đau buồn lâu nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, trong cộng đồng các nhà khoa học vẫn tồn tại định kiến phủ nhận ý tưởng rằng động vật “thật sự” cảm thấy thương xót hay có các phản ứng phức tạp trước cái chết. Nhà động vật học Jules Howard đã viết trong báo cáo về sự việc này như sau: “Nếu bạn tin rằng J35 đang có các biểu hiện khóc thương hay đau buồn, thì khẳng định của bạn chỉ dựa trên niềm tin chứ không phải các nỗ lực khoa học.”

Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu mối tương giao giữa khoa học và đạo đức, Giáo sư ngành Đạo đức Sinh học Jessica Pierce (ĐH Colorado Denver), cho biết một bộ phận các bằng chứng khoa học đang giúp khẳng định ý tưởng rằng các loài động vật không thuộc giống người có thể nhận thức được cái chết, trải qua đau thương và đôi khi còn khóc thương hoặc thực hiện các “nghi thức” cho cái chết của đồng loại.

Có một sự thật là các nhà khoa học không hề biết đủ nhiều về các hành vi có liên quan tới cái chết, ví dụ như cảm giác xót thương ở các sinh vật không thuộc giống người. Chỉ có một số học giả đã phát hiện ra cách các loài sinh vật khác nghĩ và cảm nhận về cái chết của đồng loại hoặc của chính chúng. Tuy nhiên, đó là vì các nhà khoa học chưa thực sự nghiên cứu một cách nghiêm túc về “tử vong học tương đối’ (comparative thanatology), nhánh nghiên cứu về cái chết và các hoạt động liên quan. Có lẽ do nhiều nhà khoa học và triết gia đã mô tả nhận thức về sự chết như một đặc tính chỉ có ở con người nên hầu hết chúng ta chưa thực sự đón nhận khả năng các loài động vật khác cũng để tâm đến cái chết của đồng loại chúng yêu thương.

Song số lượng các báo cáo dựa trên các câu chuyện về biểu hiện đau buồn ở nhiều loài động vật đã giúp các nhà nghiên cứu định hình được các câu hỏi cần trả lời khi nghiên cứu nhận thức về cái chết ở động vật và tìm ra phương pháp nghiên cứu tối ưu.

Ví dụ, loài voi được biết có hứng thú đặc biệt với xương cốt của những đồng loại đã chết, đồng thời khóc thương cho những con trong họ hàng. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ đã quay lại được phát hiện về nghi lễ với xương cốt ở loài voi châu Phi trong một đoạn video vào năm 2016. Các thành viên từ ba bầy voi khác nhau đã tới viếng thăm thi thể của một con cái đầu đàn, liên tục ngửi, chạm vào và đi quanh xác chết.

Trong một nghiên cứu, một nhóm nhỏ các cá thể tinh tinh bị nhốt lại và quan sát kĩ các biểu hiện sau khi một con tinh tinh già trong đàn tên là Pansy qua đời. Các con trong đàn tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trên cơ thể Pansy, dọn các mảnh rơm ra khỏi lông của nó và từ chối không di chuyển đến nơi con tinh tinh già đã chết trong một vài ngày sau đó.

Trong một ví dụ khác, một cậu bé 8 tuổi đã quay được cảnh các cá thể lợn lòi peccary có các biểu hiện với của đồng loại đã chết như ghé thăm, sục mõm và cắn nhẹ và ngủ bên cạnh cái xác. Nhiều trường hợp khác cũng đã được quan sát và ghi lại.

Một số nhà khoa học vẫn khẳng định các hành vi kể trên không nên được gắn với những cảm xúc “con người” như là đau buồn hay khóc thương vì chúng chưa phải khoa học chính xác. Dù các nhà khoa học có thể quan sát được một hành vi nhất định, nhưng rất khó để xác định cảm giác thúc đẩy hành vi của con vật.

Trường hợp của cá voi Tahlequah đã cho thấy con người còn rất nhiều điều cần nghiên cứu về các loài động vật khác. Và câu hỏi chính ở đây không phải là “Động vật có biết buồn không” mà là “Động vật thể hiện nỗi buồn như thế nào”

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/science-nature/do-animals-experience-grief-180970124/