Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) có kết quả được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng tăng.
Theo kết quả khảo sát được thực hiện do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thể khẳng định tỷ lệ các nhiệm vụ KH&CN có kết quả được ứng dụng hiệu quả từ năm 2016 trở lại đây cao hơn so với giai đoạn 2011-2015, có được điều này là nhờ những đổi mới về cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh, trong đó tập trung vào việc thực hiện cơ chế đặt hàng và bàn giao kết quả cho đơn vị đề xuất đặt hàng để ứng dụng.
Đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN
Trên cơ sở các Nghị định, Thông thư hướng dẫn thực hiện Luật KH&CN 2013, năm 2015, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số quyết định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước, Trong đó có các quy định nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN như: khi đề xuất các nhiệm vụ KH&CN phải có địa chỉ ứng dụng các kết quả tạo ra và được các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị... cam kết sử dụng kết quả tạo ra khi nhiệm vụ KH&CN hoàn thành; thành phần hội đồng phải là các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu chuyên sâu chuyên ngành khoa học được giao tư vấn và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động gần đây trong chuyên ngành khoa học được giao tư vấn; quy định trách nhiệm của cơ quan đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh trong quá trình đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện cũng như trong việc tiếp nhận, tổ chức ứng dụng, bố trí kinh phí, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ do mình đề xuất đặt hàng sau khi được đánh giá, nghiệm thu; quy định kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có quy định việc chấm dứt thực hiện nhiệm vụ khi xét thấy không còn cần thiết...
Trên cơ sở Luật KH&CN năm 2013, Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, Đề án phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020..., từ năm 2016, các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được thực hiện theo các chương trình KH&CN trọng điểm: Phát triển tiềm lực KH&CN; Ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa tỉnh Thanh Hóa; Ứng dụng các thành tựu KH&CN trong y dược phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình bảo tồn và phát triển nguồn gen. Các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh trong giai đoạn 2016-2019 đã được xác định và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định. Từ khâu lựa chọn đề xuất đặt hàng được dựa trên các tiêu chí cụ thể, đến việc tổ chức tốt khâu đánh giá thuyết minh. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Sở KH&CN đã phối hợp với cơ quan chủ trì theo dõi kiểm tra đôn đốc thường xuyên, đảm bảo nhiệm vụ được triển khai theo đúng hợp đồng đã ký kết. Công tác nghiệm thu và bàn giao kết quả cho các ngành, địa phương, các tổ chức nhận đặt hàng được thực hiện theo đúng nguyên tắc trong đó có chú trọng đến sản phẩm cụ thể.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt cho triển khai thực hiện 170 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả kinh phí đối ứng dành cho các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; đã có 119 nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 50 nhiệm vụ KH&CN được triển khai từ năm 2016 (bắt đầu thực hiện theo cơ chế đặt hàng và bàn giao kết quả nhiệm vụ KH&CN cho đơn vị đề xuất đặt hàng để ứng dụng) đều được bàn giao cho các đơn vị đề xuất đặt hàng ứng dụng. Việc bàn giao được tổ chức bằng quyết định hành chính của Sở KH&CN hoặc bằng hình thức tổ chức họp 3 bên, giữa đơn vị chủ trì, Sở KH&CN và các ngành, UBND các huyện, các đơn vị và doanh nghiệp nhận đặt hàng.
Các đơn vị được bàn giao có trách nhiệm tổ chức ứng dụng, đánh giá hiệu quả ứng dụng và định kỳ hàng năm (trong 5 năm liên tiếp) gửi báo cáo kết quả ứng dụng về Sở KH&CN. Như vậy, đơn vị tiếp nhận kết quả nhiệm vụ KH&CN chính là đơn vị có trách nhiệm đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN. Theo báo cáo của các đơn vị đã tiếp nhận kết quả nhiệm vụ KH&CN thì kết quả các đề tài, dự án đã bàn giao cho các đơn vị đều được ứng dụng ở các mức độ khác nhau. Mặc dù chưa khảo sát, điều tra như đã thực hiện đối với các nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn 2011-2015, song qua cuộc giám sát được thực hiện do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thể khẳng định tỷ lệ các nhiệm vụ KH&CN có kết quả được ứng dụng có hiệu quả từ năm 2016 trở lại đây cao hơn so với giai đoạn 2011-2015. Có được kết quả này là do có sự đổi mới về cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN, trong đó tập trung việc thực hiện cơ chế đặt hàng và bàn giao cho đơn vị đề xuất đặt hàng để ứng dụng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, một số nhiệm vụ KH&CN có kết quả ứng dụng còn hạn chế do: một số đề xuất đặt hàng chưa thực sự sát với nhu cầu thực tế của đơn vị đề xuất; vẫn còn có đề xuất nhiệm vụ KH&CN tuy chất lượng đề xuất tốt, được chấp nhận để thực hiện nhưng do năng lực của đơn vị chủ trì yếu nên quá trình triển khai thực hiện bị chậm tiến độ, khi thực hiện xong thì kết quả đã không còn đảm bảo tính mới, tính cấp thiết như lúc đề xuất đặt hàng; công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền các kết quả nhiệm vụ KH&CN sau nghiệm thu tuy đã được quan tâm hơn trước nhưng vẫn còn hạn chế; một số nhiệm vụ KH&CN muốn ứng dụng kết quả thì cần phải có một nguồn kinh phí nhất định, nhưng theo quy định hiện nay thì việc bố trí kinh phí để tổ chức ứng dụng kết quả đề tài, dự án thuộc trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận kết quả mà các cơ quan này lại hạn chế kinh phí để tổ chức ứng dụng. Để nâng cao chất lượng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng hiệu quả hơn các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát các quy định về lĩnh vực KH&CN đã ban hành, rà soát các tiêu chí để tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, xác định các nhiệm vụ KH&CN; nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí để tổ chức ứng dụng, nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN đã nghiệm thu.
Hai là, thực hiện nghiêm túc hơn nữa các quy định đã được ban hành nhất là trong việc xác định các nhiệm vụ KH&CN. Thực hiện rút ngắn tối đa thời gian từ khi có các đề xuất cho đến khi nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện, nghiệm thu, bàn giao kết quả nghiên cứu. Ngay trong năm 2019, Sở KH&CN đã tổ chức xem xét các đề xuất, đưa ra Hội đồng Khoa học tỉnh để lựa chọn, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ KH&CN năm 2020 ngay trong tháng 6/2019 (đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt ngày 2/7/2019). Đây là lần đầu tiên nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được phê duyệt sớm như vậy, tạo điều kiện để các nhiệm vụ KH&CN được nhanh chóng triển khai thực hiện một cách sớm nhất.
Ba là, thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đánh giá thuyết minh và lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện theo hướng tăng hình thức tuyển chọn, giảm hình thức giao trực tiếp nhằm lựa chọn được tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, qua đó uốn nắn kịp thời những khiếm khuyết của các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện, có biện pháp nghiêm túc đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai không đảm bảo nội dung, tiến độ, việc tham gia đối ứng còn hạn chế. Có biện pháp đánh giá, kiểm tra sát sao hơn để phát hiện sớm, tham mưu kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh dừng thực hiện những nhiệm vụ KH&CN mà vì nhiều lý do khác nhau nên khả năng ứng dụng kết quả không còn cao (từ năm 2016 đến nay UBND tỉnh đã quyết định dừng thực hiện 3 nhiệm vụ KH&CN). Làm tốt công tác nghiệm thu, bàn giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng cho các ngành, UBND các huyện và doanh nghiệp nhận đề xuất đặt hàng.
Bốn là, đề nghị các ngành, UBND các huyện, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN. Chỉ đề xuất những nhiệm vụ mà ngành, địa phương, đơn vị thực sự cần thiết, có khả năng ứng dụng được kết quả nghiên cứu.
Năm là, đề nghị các ngành, UBND các huyện, các doanh nghiệp khi được nhận bàn giao kết quả nghiên cứu, cần có phương án tổ chức triển khai, có thể giao hoặc liên kết với các tổ chức khuyến nông, khuyến công, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để triển khai nhân rộng kết quả nghiên cứu hoặc thực hiện việc tổ chức ứng dụng thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở của ngành, huyện, đơn vị. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chế độ báo cáo kết quả ứng dụng về Sở KH&CN để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ KH&CN.
Sáu là, đề nghị HĐND tỉnh xem xét hàng năm cần bổ sung thêm nguồn ngân sách cho hoạt động KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.