Với hệ thống xử lý, cấp nước sạch do các nhà nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam thiết kế, thi công và trao tặng, Trường THPT Mùn Chung (xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) trở thành điểm đầu tiên trong toàn xã được dùng nước sinh hoạt đã qua xử lý.
Sáng 19/11, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành và trao tặng công trình sau 5 tháng vận hành thử nghiệm.
Đây là công trình do các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ môi trường và Viện Địa chất phối hợp thiết kế và thi công.
Công trình bao gồm một máy bơm va (tức loại bơm không cần điện, vận hành nhờ động năng của nước) đưa nước từ một con suối cách trường khoảng 500 m vượt qua gò đất với độ chênh cao địa hình là 12m về khu vực bể chứa.
Một bơm điện dự phòng cũng được lắp đặt để sử dụng trong trường hợp về mùa lũ, nước dâng cao, bơm tự áp không hoạt động được.
Bên cạnh đó còn có hệ thiết bị xử lý nước áp dụng công nghệ lọc 2 tầng - lọc thô và lọc tinh - bảo đảm nước đầu ra có các chỉ tiêu chất lượng đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 02:2009/BYT (mức I) như Lượng virus Coliform và E.coli được xử lý hoàn toàn; hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS), mùi tanh, độ đục, hàm lượng sắt được xử lý hiệu quả với hiệu suất trên 90%.
ThS Nguyễn Thị Thanh Hải, Viện Công nghệ môi trường, chủ nhiệm đề tài, cho biết, chi phí bảo dưỡng, thay vật liệu lọc của hệ thống lọc nước chỉ vào khoảng 2,1 triệu/năm do các vật liệu được sử dụng đều rẻ tiền và dễ kiếm như cát và hạt nhẹ, trong đó cát được tự rửa mà không cần dùng bơm rửa lọc.
Hệ thống xử lý và cấp nước sạch cho Trường THPT Mùn Chung được hoàn thành trong một năm, với tổng chi phí khoảng 1,1 tỷ đồng, công suất xử lý 100 m3 nước/ngày. Dự kiến, sắp tới, hệ thống này sẽ cấp nước cho cả Trường THCS Mùn Chung ở ngay cạnh và khoảng 100 hộ dân lân cận.
Trước khi bàn giao, các nhà nghiên cứu trong dự án cũng đã tập huấn cho nhà trường vận hành thành thạo trạm xử lý, có thể tự đánh giá tình trạng của hệ thống và khắc phục một số sự cố nếu xảy ra.
Trường THPT Mùn Chung nằm cách thị trấn Tuần Giáo khoảng 40 km. Mặc dù không phải là trường nội trú nhưng có đến 85% số học sinh (khoảng 250 em) ở xa trường trên 10km được nhận vào nội trú tại trường.
Trước đây, trường chủ yếu dùng nguồn nước từ hệ thống đường ống do chính quyền đầu tư nhưng do công suất của hệ thống này có hạn nên nước chỉ được cấp luân phiên, trong đó Trường THPT Mùn Chung được cấp khoảng 1-2 giờ mỗi ngày, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tăng gia trồng rau tự túc cho các bữa ăn. Mặt khác, nước này được dẫn thẳng từ nguồn về và không qua xử lý nên không đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt.
Dù đã khai thác thêm nguồn nước mưa nhưng trường vẫn đặc biệt thiếu nước vào mùa khô từ tháng 11 năm trước tới tháng 6 năm sau. Một học sinh nữ lớp 11 của trường cho biết, trước đây, vào những thời điểm thiếu nước, em và các bạn phải ra suối tắm – chính là con suối các nhà khoa học sử dụng làm nguồn nước cho hệ thống của mình – còn nước nấu nướng thì đi xin của các hộ dân xung quanh, hết sức bất tiện.
Thầy Nguyễn Viết Trung, hiệu trưởng nhà trường, thì chia sẻ tại lễ bàn giao công trình rằng, từ khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng, thầy và trò trong trường không những được cấp đủ nước để sinh hoạt và trồng rau mà còn không phải lo về “những con đỉa, con vắt bé ngọ nguậy trong nước sinh hoạt” như những năm trước.