Đề tài “Nghiên cứu các chất thứ cấp có hoạt tính sinh học từ vi tảo biển ở vùng biển Trung Bộ do Viện Hóa sinh biển thực hiện (từ 01/2016 – 12/2018) do TS. Nguyễn Thị Minh Hằng làm chủ nhiệm đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu loại xuất sắc.

Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của các loài vi tảo Dunaliella tertiolecta, Nannochloropsis oculata, Chlorella vulgaris, Chaetocerosmuelleri, Tetraselmis convolutae, Isochrysis galbana và Schizochytrium mangrovei ở Việt Nam, với nhiều kết quả khả quan như:

- Nhân nuôi được 6 loài vi tảo biển quang tự dưỡng là Dunaliella. tertiolecta, Nannochloropsis oculata, Chlorellavulgaris, Chaetoceros muelleri, Tetraselmis convolutae và Isochrysis galbana, 01 loài vi tảo dị dưỡng Schizochytrium mangrovei cung cấp sinh khối (ít nhất 100g sinh khối khô/loài) để phục vụ nghiên cứu các hợp chất thứ cấp.

- Phân lập bổ sung thêm một loài Chroomonas salina (chủng NT) từ vùng biển miền Trung Việt Nam (Nha Trang - Khánh Hòa) cho bộ sưu tập giống vi tảo của Phòng Công nghệ Tảo, Viện Công nghệ sinh học.

- Có được phương pháp phân lập và đã phân lập được 31 chủng vi tảo biển có hình thái giống với vi tảo biển cộng sinh thuộc chi Symbiodinium từ 37 mẫu san hô và 40 mẫu hải miên thu thập từ các vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và Quảng Nam trong hai năm 2016 – 2017.

- Phân lập và xác định cấu trúc của 52 chất từ 7 loài vi tảo được lựa chọn nghiên cứu trong đó có 36 hợp chất có cấu trúc khác nhau bao gồm 8 chất từ loài Dunaliella tertiolecta, 8 chất từ loài Nannochloropsis oculata, 9 chất từ loài Chlorella vulgaris, 6 chất từ loài Chaetoceros muelleri, 7 chất từ loài Tetraselmis convolutae, 4 chất từ loài Isochrysis galbana, và 10 chất từ loài Schizochytrium mangrovei.

- Đánh giá hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định của các cặn chiết và các chất đã phân lập từ các loài vi tảo kết quả cho thấy hầu hết các cặn chiết đều thể hiện hoạt tính và 12 trong số 36 chất phân lập thể hiện hoạt tính ít nhất trên 2 chủng vi sinh vật kiểm định.

- Đánh giá hoạt tính gây độc tế bào của các cặn chiết và các chất đã phân lập từ các loài vi tảo trên 4 dòng tế bào ung thư HepG2, MCF7, SK-LU-1, KB.

- Công bố được 3 bài trên Tạp chí quốc tế Chemistry of Natural Compounds và 4 bài trên các tạp chí quốc gia.

Đề tài đã góp phần bổ sung các hiểu biết mới về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của các loài vi tảo biển Việt Nam.