Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định rằng, chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên như độ cao địa hình, tính chất đất, chế độ mưa, khí hậu, nhiệt độ, biên độ dao động…
Địa hình
Địa hình tỉnh Đak Lak được chia thành 3 dạng chính là đồi núi cao, đồi núi lượn sóng và thung lũng. Trong đó, dạng địa hình có ảnh hưởng tới chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột chính là loại đồi núi lượn sóng.
Địa hình đồi núi lượn sóng ít dốc bao gồm toàn bộ cao nguyên Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm tỉnh, trải dài từ Bắc xuống Nam hơn 90km. Từ Đông sang Tây khoảng 70km, bao trọn địa hình Buôn Ma Thuột.
Phía Đông Bắc cao gần 800m, phía Tây Nam thấp dần còn khoảng 300m. Bề mặt tương đối bằng phẳng, độ dốc từ 3-15 độ. Trên bề mặt là sản phẩm của quá trình phun trào núi lửa được phong hóa, tạo nên 1 lớp đất màu mỡ, với diện tích lớn tập trung hình thành cao nguyên đất đỏ rộng lớn. Loại địa hình này rất phù hợp cho việc phát triển các loại cây trồng dài ngày, đặc biệt là cà phê Robusta.
Chế độ mưa, khí hậu
Khí hậu tỉnh Đak Lak cũng có những nét riêng biệt do ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11-4. Đầu mùa khô khí hậu mát và lạnh, độ ẩm không khí xuống thấp và thường có gió Đông - Bắc từ cấp 3 đến cấp 4. Đó là điều kiện thuận lợi để phân hóa nhiều mầm hoa, hoa nở hàng loạt khi có mưa hoặc được tưới nước.
Mùa mưa bắt đầu từ đầu tháng 4 hoăc đầu tháng 5 kéo dài đến cuối tháng 10, đầu tháng 11. Lượng mưa cao (1.500-1.600mm) tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển. Đặc biệt ảnh hưởng có lợi đối với thời kỳ phát triển và tích lũy chất của quả cũng như hạt cà phê.
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Baodulich.
Nhiệt độ trung bình, biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm
Nhiệt độ trung bình nằm ở mức 23-24 độ C, tháng lạnh nhất không dưới 18 độ C. Đây là điều kiện nhiệt độ lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của cà phê vối.
Biên độ dao động ngày và đêm cũng khá lớn, các tháng mùa khô biên độ dao động nhiệt từ 15-20 độ C, mùa mưa là 10-15 độ C. Đặc biệt từ tháng 9-12 là thời kỳ hạt cà phê tích lũy chất khô mạnh, quả vào giai đoạn già chín, biên độ dao động nhiệt ngày đêm khoảng 11-17,5 độ C. Đây là điều kiện ưu việt giải thích một phần cho cà phê Buôn Ma Thuột có hương vị đặc trưng đậm đà hơn hẳn so với cà phê vùng khác.
Độ ẩm không khí
Vào các tháng mùa mưa, độ ẩm không khí trung bình các vùng trong tỉnh từ 85-95%, các tháng mùa khô giảm xuống dưới 80%. Độ ẩm không khí thấp đầu mùa khô là điều kiện thích hợp để cà phê phân hóa mầm hoa mạnh và tập trung, nở hoa đồng loạt khi có nước. Điều này giúp quả chín đồng loạt, góp phần nâng cao năng suất thu hoạch và chất lượng quả hạt.
Lượng mưa
Do ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa lượng mưa trung bình từ 80-90% (khoảng 1.500-1.800mm). Mùa khô chỉ đạt 10-20% nên phải tưới thêm nước cho cây cà phê. Vùng cà phê Buôn Ma Thuột có lượng mưa dồi dào trong mùa mưa, là thời kỳ phát triển thể tích của quả và tích lũy chất trong hạt nên hạt cà phê vùng này có chất lượng hạt cao.
Đồi cà phê tơ. Ảnh: Caphesach.
Đất đai
Tỉnh Đak Lak có 11 nhóm đất chính theo phân loại quốc tế WRB (World Reference Base). Tuy nhiên, vùng tập trung ở 2 nhóm cơ bản có diện tích lớn đó là nhóm đất đỏ bazan (Ferrasols) được hình thành trên đá mẹ bazan và nhóm đất xám (Acrisols) hình thành trên đá biến chất granit. Hai nhóm này chiếm 70% diện tích đất của tỉnh.
Cà phê Buôn Ma Thuột được trồng trên đất đỏ bazan có hàm lượng mùn cao, cấu trúc đất tốt, có độ tơi xốp cao (62-71%) làm cho đất có độ thấm nước lớn, giữ ẩm và thoát ẩm tốt. Tầng đất dày tơi xốp, thoáng khí là điều kiện lý tưởng cho bộ rễ cây cà phê vối phát triển theo bề rộng cũng như chiều sâu. Hoạt động sinh học của bộ rễ xảy ra mạnh mẽ, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt, góp phần làm cho chất lượng gia tăng, hạt to, mẩy, màu sắc ánh hơn các vùng khác.
Độ cao
Độ cao là 1 trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của hạt cà phê nói chung và hạt cà phê vối ở Đak Lak nói riêng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chất lượng hạt cà phê tăng lên theo độ cao trồng. Hầu hết cà phê trên thế giới trồng ở độ cao dưới 400m. Riêng cà phê trồng ở cao nguyên Buôn Ma Thuột có độ cao từ 400-800m. Trồng ở độ cao này gắn với chênh lệch độ ngày đêm cao là đặc thù có tính quyết định đến chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột.