Hai thiếu niên đến từ bang Texas (Mỹ) đã sáng chế ra một thiết bị có thể lọc các hạt vi nhựa trong nước dựa trên công nghệ sóng siêu âm, loại sóng có tần số cao hơn giới hạn nghe của con người.

Victoria Ou (trái) và Justin Huang (phải) cầm trên tay thiết bị lọc vi nhựa. Ảnh: Chris Ayers
Victoria Ou (trái) và Justin Huang (phải) cầm trên tay thiết bị lọc vi nhựa. Ảnh: Chris Ayers

Victoria Ou và Justin Huang, cả hai đều 17 tuổi, đã giới thiệu thiết bị của mình tại Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Regeneron (ISEF) diễn ra vào tháng 5/2024. Họ đã giành giải nhất ở hạng mục Khoa học Trái đất và Môi trường do Google tài trợ, đồng thời họ cũng nhận được 50.000 USD từ Giải thưởng Gordon E. Moore vì những tác động tích cực cho các thế hệ tương lai.

Thiết bị nguyên mẫu của Huang và Ou có kích thước bằng một cây bút. Về cơ bản, nó là một ống dài chứa các bộ chuyển đổi điện và sử dụng sóng siêu âm để hoạt động như một bộ lọc.

“Khi nước chảy qua thiết bị, sóng siêu âm tạo ra áp suất đẩy các hạt vi nhựa di chuyển ngược trở lại, trong khi vẫn cho phép nước tiếp tục chảy về phía trước”, Ou giải thích. “Do đó, nước chảy ra ở đầu bên kia của thiết bị là nước sạch, không chứa vi nhựa”.

Hai thiếu niên đã thử nghiệm thiết bị của họ trên ba loại vi nhựa phổ biến: polyurethane, polystyrene, và polyethylene. Kết quả cho thấy chỉ trong một lần lọc, thiết bị của họ có thể loại bỏ từ 84% đến 94% vi nhựa trong nước.

Ou và Huang tin rằng công nghệ của họ [khi mở rộng quy mô] có thể được sử dụng trong các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy dệt công nghiệp, nhà máy xử lý nước sinh hoạt, và nguồn nước ở vùng nông thôn.

Nguồn: Businessinsider