Là loài dơi với vẻ ngoài đặc biệt, Dơi mũi nhẵn đốm vàng đang phải đối diện với những rủi ro do hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép mang lại. GS.TS Vũ Đình Thống và các nhà khoa học quốc tế đã tiến hành một nghiên cứu nhằm khám phá bước đầu con đường buôn bán xuyên biên giới đầy phức tạp này.

Dơi mũi nhẵn đốm vàng (Kerivoula picta). Ảnh: Merlin Tuttle
Dơi mũi nhẵn đốm vàng (Kerivoula picta). Ảnh: Merlin Tuttle

Một con dơi màu cam sáng đang nhe răng, với đôi cánh đen gấp lại, bị đặt trong một chiếc quan tài đen dài khoảng 15cm. Những tưởng đó chỉ là một đạo cụ dùng trong các cảnh phim rùng rợn, ấy vậy mà đó lại là một món đồ có thật - một con dơi thực sự. Để sở hữu mặt hàng này, người mua cần trả 59 USD. Hoặc, với giá 140 USD, người mua có thể sở hữu một con dơi được đóng khung với đôi cánh đen giang rộng. Chỉ mất hai ngày để giao hàng đến tận nơi.

Những con Dơi mũi nhẵn đốm vàng (Kerivoula picta) đang phải đối mặt với thảm cảnh sau khi chết đi: trở thành đồ mỹ nghệ để trưng bày trong nhà, vật trang trí Halloween, hay thậm chí là… trang sức. Những vật phẩm ghê rợn đó được bày bán rộng rãi trên Etsy, eBay và Amazon - các sàn thương mại điện tử phổ biến.

Hoạt động săn bắt trái phép động vật hoang dã làm tiêu bản, đồ trang trí thực chất vô cùng phổ biến, đặc biệt với những loài như rùa biển, chim hồng hoàng, hổ - những loài hiếm gặp và có vẻ ngoài thu hút. Tuy nhiên, loài dơi ít được quan tâm hơn vì chúng thường bị xem là có số lượng cá thể lớn, không hiếm gặp, và có bộ lông xám trông buồn tẻ. Đây là một phần lý do vì sao hoạt động buôn bán dơi làm đồ trang trí vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.

Khác với nhiều loài dơi, loài Dơi mũi nhẵn đốm vàng có bộ lông và đôi cánh sặc sỡ. Đặc điểm này khiến chúng trở thành một mục tiêu hấp dẫn đối với những người sưu tập tiêu bản động vật hoang dã.

“Có một số cửa hàng buôn bán ở Việt Nam có mẫu của loài Dơi mũi nhẵn đốm vàng cực kỳ hiếm gặp này. Hiện chưa có cuộc điều tra tổng thể nào được tiến hành để nhận định việc buôn bán đó có phổ biến hay không, nhưng với mức độ buôn bán như đã biết thì nó có thể đe dọa sự tồn tại của loài trong môi trường sống tự nhiên”, GS.TS Vũ Đình Thống (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhận định.Được xếp vào tình trạng Loài sắp bị đe dọa trong Sách đỏ IUCN, Dơi mũi nhẵn đốm vàng có thể đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm số lượng trên quy mô lớn, nhất là khi thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển.


Cho đến hiện tại, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy Dơi mũi nhẵn đốm vàng bị ép trong khung, bày trong lọ, biến thành đồ trang trí trên vòng cổ, lược chải tóc trên Etsy, eBay và Amazon.


Để tìm kiếm câu trả lời cho tình trạng buôn bán loài dơi này, GS.TS Vũ Đình Thống đã cùng các đồng nghiệp quốc tế từ Đại học California, Davis, Đại học Illinois Urbana-Champaign v.v. và Nhóm công tác về buôn bán dơi của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tiến hành một nghiên cứu khảo sát trên các sàn thương mại điện tử Mỹ trong mùa Halloween và Giáng sinh năm 2022. Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu trênEuropean Journal of Wildlife Research.

Lý giải vì sao tập trung vào thương mại trực tuyến, các nhà khoa học cho biết trong công bố rằng môi trường Internet tạo ra những thuận lợi giúp người mua hàng có thể tiếp cận với nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã hơn, đồng thời giúp người bán tránh được một số vấn đề pháp lý. Trong khi đó, việc lựa chọn Mỹ bắt nguồn từ việc nhóm quan sát thấy hầu hết người bán dơi trực tuyến đều ở nước này. Họ cũng tập trung vào thời điểm lễ Halloween bởi màu cam và đen của K. picta, cũng như hình tượng của dơi nói chung, gây liên tưởng đến lễ hội này.

Trên thực tế, loài dơi này sinh sống tại Việt Nam, Thái Lan, Bangladesh, Campuchia, miền Nam Trung Quốc, Ấn Độ v.v. chứ không phải tại Mỹ. Do đó, “chúng được thu thập từ khắp châu Á và sau đó được đưa đến đây và sử dụng làm đồ trang trí”, nhóm nghiên cứu cho biết. “Với nghiên cứu này, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc bảo tồn loài Dơi mũi nhẵn đốm vàng”.

Dán mác “đạo đức” và “bền vững”

Các nhà khoa học đã dành hàng tháng để đếm từng cá thể dơi trong các hình ảnh đăng tải. Họ xem xét sự khác biệt về vị trí của cánh, tai, màng đuôi, miệng và các vết thương trên mẫu vật. Theo nhóm nghiên cứu, khó có thể xác định cá thể dơi dựa trên số lượng hàng tồn kho, bởi sẽ người bán có thể tự ý điều chỉnh con số này. Bên cạnh đó, sẽ có những cá thể xuất hiện nhiều lần trong danh mục sản phẩm.

Từ đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra 284 cá thể Dơi mũi nhẵn đốm vàng trong số 856 sản phẩm dơi được bày bán trong ba tháng. Người bán hàng trên eBay và Etsy đã vận chuyển dơi từ 19 bang. Tennessee là bang bán nhiều dơi K. picta nhất trên toàn nước Mỹ, tiếp theo là Illinois, California và Florida,.

“Đó là chưa kể đến những cá thể dơi bị bày bán trên các website khác và các cửa hàng truyền thống trên khắp thế giới. Vì những con dơi này khá hiếm gặp trong tự nhiên, chúng tôi lo ngại rằng những người săn bắt có thể đang có một mạng lưới chuyên bắt lấy mọi cá thể mà họ nhìn thấy”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Các sản phẩm bày bán trên eBay và Etsy có chứa những từ khóa như “Giáng sinh”, “goth” và Halloween. Trong khi đó, không có sản phẩm nào trên Amazon có những từ này. Nhóm nghiên cứu cho biết họ không thể kết luận rằng Halloween làm tăng nhu cầu mua bán dơi, nhưng họ nhận thấy giá cả đã tăng trong thời gian nghiên cứu được tiến hành.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá cả của dơi, đó là cách dơi được trưng bày hoặc xử lý. Càng tốn nhiều công sức và vật liệu để làm ra một món đồ, thì món đồ đó càng đắt đỏ, và người bán có thể có xu hướng trưng bày một cách bắt mắt hơn để đội giá lên cao.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh giá bán lẻ của sản phẩm dơi K. picta đóng khung và phát hiện ra rằng giá bán trên sàn thương mại điện tử ở Mỹ cao hơn 3,2 lần so với mẫu K. picta tại một cửa hàng truyền thống ở Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu thương mại điện tử có đẩy giá của động vật hoang dã được buôn bán lên cao không? Câu trả lời là có, hoạt động giao dịch hiện tại có thể đang nhắm đến những người tiêu dùng ở các quốc gia giàu có hơn.

Hiện vẫn chưa biết con đường cụ thể để nhập khẩu dơi K. picta vào Mỹ. Luật an ninh sinh học của Mỹ cấm nhập khẩu dơi mà không có giấy phép do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cấp. Ngoài ra, bất kỳ động vật hoang dã nhập khẩu nào cũng phải được khai báo và có giấy phép của Cục Hoang dã và Cá. Đáng chú ý, theo Đạo luật Lacey, động vật hoang dã bị săn bắt trái phép không thể được đưa vào Mỹ.

Ở những thị trường phát triển này, những kẻ săn bắt đã đánh vào tâm lý chuộng các mặt hàng có gắn mác bền vững của người tiêu dùng. Khoảng 20% sản phẩm sử dụng các từ khoá gợi lên mối quan tâm xã hội hoặc môi trường, chẳng hạn như “đạo đức” hoặc “bền vững.” Một số người bán hàng cho hay những con dơi này được nuôi trong điều kiện nuôi nhốt, chết vì nguyên nhân tự nhiên và không bị thương - song nhóm nghiên cứu bác bỏ hoàn toàn thông tin này. Một người bán hàng khác thì khẳng định những con dơi này đã được chứng nhận là có nguồn gốc bền vững - cũng là một thông tin sai. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng đây là nỗ lực nhằm đánh lừa người mua hàng.

Ảnh chụp màn hình các sản phẩm trên eBay và Etsy. Các nhà khoa học tìm thấy dơi thường được ép trong khung, đặt trong lọ và làm vòng cổ.
Ảnh chụp màn hình các sản phẩm trên eBay và Etsy. Các nhà khoa học tìm thấy dơi thường được ép trong khung, đặt trong lọ và làm vòng cổ.


Những rủi ro

Những con Dơi mũi nhẵn đốm vàng đang dần biến mất. Chúng có tuổi thọ khoảng 10 năm và mỗi lần sinh chỉ sinh một con non. Đó là lý do hoạt động buôn bán có thể khiến quần thể dơi suy giảm nghiêm trọng.

Câu chuyện về loài dơi gợi cho PGS. Joanna Coleman, đồng chủ tịch Nhóm công tác về buôn bán dơi của IUCN, câu chuyện về nghề đánh bắt cá tuyết Bắc Đại Tây Dương vào những năm 1990. Sau nhiều thập kỷ đánh bắt cá tuyết với tốc độ nhanh hơn khả năng sinh sản của chúng, số lượng cá đã giảm xuống dưới 1% so với trước đây.

K. picta sinh sản thậm chí còn chậm hơn cá tuyết. Điều này khiến tôi lo sợ rằng hoạt động buôn bán có thể làm suy giảm quần thể K. picta theo cách tương tự”, PGS. Coleman cho biếttrong một bài báo trên Phys.

Không dừng lại ở đó, hoạt động buôn bán này có thể tiềm ẩn các rủi ro an toàn sinh học. Theo một số ước tính, dơi là vật chủ của 72.000 loại virus. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch độc đáo và khả năng giảm viêm hiệu quả giúp dơi dễ dàng “chung sống” với virus mà không bị ảnh hưởng bởi độc tính của virus – ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt.

Theo quy định, tất cả các động vật nhập khẩu vào Mỹ phải được khai báo và được xác định không mang mầm bệnh. Tuy nhiên, các sản phẩm từ dơi K. picta có khả năng không đi theo con đường nhập khẩu này. Hoạt động buôn bán dơi là điểm tiếp xúc giữa người và dơi, nơi có thể xảy ra sự lan truyền mầm bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng việc chấm dứt tất cả các hoạt động buôn bán dơi quốc tế sẽ là một cách để ngăn chặn một con đường tiềm năng cho sự lây lan trên phạm vi dài và xuyên biên giới của các mầm bệnh có nguồn gốc từ dơi.

Ngay từ đầu, săn bắt dơi là hoạt động bất hợp pháp ở hầu hết các nước nơi K. picta sinh sống. Tại Việt Nam, dơi là động vật hoang dã được Luật Đa dạng Sinh học, Luật Lâm nghiệp bảo vệ. “Việc săn bắt dơi là vi phạm, chắc chắn vi phạm, trừ một số ngoại lệ đặc biệt và phải có sự cho phép bằng văn bản của cơ quan chức năng”, GS.TS Vũ Đình Thống chia sẻ.

Các tác giả khuyến nghị cần đưa K. picta vào Phụ lục I của Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài Động vật và Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES). Họ cũng cho rằng nên bổ sung K. picta trong Đạo luật về Các loài Nguy cấp (ESA).

Cho đến hiện tại, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy Dơi mũi nhẵn đốm vàng bị ép trong khung, bày trong lọ, biến thành đồ trang trí trên vòng cổ, lược chải tóc trên Etsy, eBay và Amazon. K. picta nên trú ẩn dưới những chiếc lá trong môi trường sống tự nhiên của nó, chứ không phải chết treo trên tường như một món đồ trang trí.