Vừa qua, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể ở miền Tây Nghệ An"
Đây là một trong nội dung của đề tài KH&CN "Nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể trước quá trình khai thác phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An hiện nay", do ThS Nguyễn Quốc Hồng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, Chủ nhiệm Đề tài và Trung tâm KHXH&NV là đơn vị chủ trì. Tham dự có đại diện Sở KH&CN, Sở Văn hóa thể thao, Ban Quản lý di tích và danh thắng, Bảo tàng Nghệ An, Hội di sản văn hóa cổ vật sông Lam, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu. Ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó giám đốc Sở KH&CN - Chủ trì Hội thảo.
Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, ông Nguyễn Quốc Hồng báo cáo tóm tắt về thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể ở địa bàn miền Tây Nghệ An. Báo cáo nêu rõ: Các loại hình văn hóa vật thể miền Tây Nghệ An rất phong phú, đa dạng. Theo danh mục kiểm kê tại Quyết định 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2018, miền Tây Nghệ An đối với loại hình di tích lịch sử - văn hóa có 811 di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh, trong đó có 88 di tích đã được xếp hạng, còn lại 723 di tích chưa được xếp hạng; đối với loại hình di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hiện nay còn lưu giữ 10 ngàn di cổ vật; ngoài số di cổ vật đã được sưu tầm về bảo tàng thì còn rất nhiều nằm trong dân, các nhà sưu tập,… mà chưa quản lý, chưa kiểm kê được đầy đủ.
Cũng theo báo cáo, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An đã được các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, kiểm kê hàng năm; khai thác, lập quy hoạch, tu bổ, tôn tạo những di tích có nguy cơ xuống cấp; triển khai các hoạt động xã hội hóa trong sưu tầm di, cổ vật;… Tuy nhiên, công tác bảo tồn các loại hình di sản văn hóa vật thể cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: Nhận thức của cán bộ và nhân dân về di sản văn hóa vật thể còn chưa cao; đội ngũ cán bộ làm công tác di sản văn hóa còn thiếu và yếu; nguồn kinh phí cho công tác sưu tầm, bảo quản, trưng bày,… hạn hẹp; công tác quy hoạch các di tích còn manh mún, thiếu tổng thể, thiếu liên kết; Chưa có chính sách để phát huy các di tích, di vật, cổ vật trong phát triển kinh tế…Công tác phát huy cũng nhiều tồn tại như đối với các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh thời gian qua đã hình thành các tour du lịch nhưng khách du lịch đến còn hạn chế, những lợi thế của di sản chưa được khai thác, chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch từ lợi thế này. Chưa có đội ngũ hướng dẫn thuyết minh cho các di sản này. Đối với di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở các bảo tang, nhà truyền thống của các nông, công trường đang trong trạng thái lưu giữ chưa phục vụ cho khách du lịch, cho giáo dục…
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý cũng đã thảo luận, trao đổi về công tác bảo tồn và phát huy các loại hình di sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An. Đại diện Sở Văn hóa Thể thao cho rằng di sản văn hóa vật thể nói chung, di sản văn hóa vật thể trên địa bàn miền Tây nói riêng là một tài sản vô giá làm phong phú cho kho tàng văn hóa xứ Nghệ và là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Xác định được vai trò quan trọng đó, trong những năm qua Sở Văn hóa Du lịch không ngừng tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiến hành triển khai thực hiện đồ án Quy hoạch hệ thống di tích tại các vùng di sản trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An; Nghiên cứu làm tốt công tác bảo tồn, tổ chức phát huy giá trị di tích; Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch - di sản đặc trưng của từng vùng; Xây dựng chương trình hoạt động; Xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội;…
Đơn vị Bảo tàng tỉnh đề xuất nên thành lập Bảo tàng sinh thái miền Tây Nghệ An bằng cách tập hợp các trung tâm văn hóa của các huyện miền Tây lại, ở đó sẽ giới thiệu chung về các di sản, di tích của toàn miền Tây Nghệ An, tránh việc tổ chức bảo tồn, phát huy một cách manh mún, lẻ tẻ không mang lại hiệu quả. Bảo tàng sinh thái miền Tây ngoài việc trưng bày các di vật, cổ vật, bảo vật theo từng chuyên đề, có thể tổ chức các hoạt động văn hóa đặc trưng của miền Tây như: ẩm thực, trang phục, nghề truyền thống,…của các dân tộc trên địa bàn sẽ thu hút đông đảo khách tham quan, khách du lịch vừa bảo tồn, phát huy các di sản vừa góp phần phát triển kinh tế - văn hóa địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Ban quản lý Di tích và Danh thắng nhấn mạnh đến các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản như: Giải pháp về cơ chế chính sách để bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh thắng ở miền Tây Nghệ An; Giải pháp về quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh thắng; Giải pháp về xây dựng và phát triển du lịch gắn với hệ thống di sản; Giải pháp bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai đối với hệ thống di sản khu vực miền Tây Nghệ An;…
Ông Đào Tam Tỉnh - Hội viên Hội cổ vật sông Lam đã giới thiệu về Hội cổ vật Sông Lam với khoảng 70 hội viên đã sưu tầm, bảo vệ và giới thiệu hàng vạn các loại cổ vật, di vật tiêu biểu. Hội có những hoạt động hiến tặng các di vật, cổ vật và bảo vật phục vụ cho các bảo tàng, Tham gia các hội chợ, tham gia đấu giá quốc gia, tham gia đấu giá nước ngoài (Pháp)… Ông đề xuất trong thời gian tới các thành viên Hội tích cực sưu tầm, lưu giữ và bảo vệ. Đối với các cơ quan quản lý cần kiểm kê, thống kê và lập hồ sơ khoa học để định giá trị của các đồ quý hiếm. Nâng cao công tác tuyên truyền, bảo vệ di sản, cổ vật. Phát huy XHH những người có di vật, cổ vật hiến tặng. Tổ chức đấu giá làm từ thiện. Và đề xuất tỉnh có ngân sách đầu tư mua các cổ vật, di vật nhất quý hiếm để tập trung cho bảo tàng.
Ngoài ra các nhà nghiên cứu đã có những đề xuất, góp ý để phát huy các di sản văn hóa vật thể để có thể hình thành và phát triển kinh tế di sản Miền tây Nghệ An nói riêng và của của tỉnh Nghệ An.
Tổng kết Hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Nhạc - Chủ trì đồng tình với báo cáo tóm tắt thực trạng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể trình bày tại Hội thảo, tuy nhiên đồng chí lưu ý Ban chủ nhiệm đề tài cần tập trung 2 nhóm vấn đề: Thực trạng bảo tồn và công tác phát huy di sản văn hóa vật thể với 2 loại hình vật thể ở miền Tây Nghệ An là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Nội dung phân tích thực trạng tập trung cho các nhóm vấn đề: Nhận thức; Nguồn nhân lực; Chính sách bảo tồn và phát huy di sản; công tác xã hội hóa đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản; Quản lý vấn đề môi trường di sản; Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý; Công trình đầu tư… từ đó rút ra những tồn tại, nguyên nhân. Trên cơ sở số liệu điều tra và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, Ban chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ giải pháp theo đúng tiến độ đề ra.