Ông Trần Văn Thật ở ấp 6B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang là một trong những nông dân thành công với mô hình “Vườn - lúa - chăn nuôi heo”.

Theo ông Thật, nếu trồng chuyên canh một loại cây, năm nào trúng mùa sẽ rớt giá. Còn như trồng đa canh, cây này thất mùa còn cây khác hỗ trợ, không sợ thất thu. Hiện vườn ông trồng 3 loại cây có giá trị kinh tế cao gồm xoài, vú sữa và chôm chôm, bình quân mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng.

Ngoài vườn cây ăn trái, ông còn làm thêm 13 công ruộng, mỗi năm 3 vụ. Sau khi trừ hết các chi phí còn lời trên 60 triệu đồng. Ông cho biết, lợi nhuận chính của gia đình là chăn nuôi. Trong chuồng lúc nào cũng có trên 50 con heo. Để đầu tư cho chuồng trại, ông đã sử dụng phần lớn tiền bán cây trái và lúa để tập trung cho con heo. Nhờ vậy mà mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí, gia đình ông còn lãi trên 300 triệu đồng.

bo_sung_chuong_trai_nuoi_heo_cua_ong_That

“Tuy nhiên, việc chăn nuôi không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà thường gặp nhiều rủi ro bất trắc. Chẳng hạn như năm nay, do giá heo khủng hoảng, người nuôi lỗ mỗi con trên 1 triệu đồng, thay vì trước kia mỗi con lời trên 1 triệu đồng” - ông Thật nói.

Đáng mừng là hiện nay giá heo đang tăng giúp ông và nhiều hộ chăn nuôi bù đắp lại những thất thoát, thua lỗ phải gánh chịu trong nhiều tháng qua.

Có thể nói, ông Trần Văn Thật là một nông dân năng động, cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm và biết vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong nuôi trồng một cách có hiệu quả. Mặc dù giá heo bị khủng hoảng, nhiều người phải vỡ nợ nhưng ông lúc nào cũng bình tĩnh và nuôi hy vọng “ngày mai trời lại sáng” nên vẫn tiếp tục duy trì đàn heo cho đến ngày hôm nay. Với vai trò là chi hội trưởng Hội nông dân ấp 6B, ông đã gương mẫu đi đầu trong các hoạt động về sản xuất kinh doanh. Ông rất xứng đáng nhận được bằng khen của UBND tỉnh năm 2017 và kỷ niệm chương của Hội nông dân.