Lào Cai là một tỉnh miền núi phía Bắc có 3/9 huyện nghèo nhất cả nước, trong đó 102/160 xã đặc biệt khó khăn, trên 32% hộ nghèo và hộ cận nghèo. Toàn tỉnh có hơn 200 trường có học sinh bán trú, với khoảng 40 nghìn học sinh bán trú là người dân tộc vùng núi. Các em đi học hầu như không có hỗ trợ từ gia đình, Nhà nước cũng chỉ có thể hỗ trợ một phần kinh phí ở mức 40% lương cơ bản, tức hơn 500.000 đồng/tháng.
Vào mùa đông, nhiệt độ trung bình một số huyện ở Lào Cai có thời điểm trên dưới 10 độ, nhiều nơi thường xuyên có băng giá như Sapa, Bát Xát, Simacai. Ngay cả mùa hè, nhiệt độ ở một số xã cũng chỉ 10-15 độ. Tuy nhiên, việc đảm bảo nước nóng phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho học sinh bán trú bằng các thiết bị như bình nóng lạnh hay hệ thống năng lượng mặt trời là điều nằm ngoài khả năng của nhà trường cũng như của bản thân gia đình các em.
Để tạo nước nóng với chi phí thấp phục vụ cho học sinh bán trú ở vùng cao, anh Bùi Ngọc Minh - Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, đã cùng nhóm của mình nghiên cứu, chế tạo ra bếp lò đun nước. Sáng kiến đã đoạt giải nhì tại cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ hai năm 2018 do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh tại điểm trường THCS Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Ảnh: NVCC
Bếp được thiết kế dựa trên mô hình bếp lò của người dân vùng cao với ống dẫn nước bằng kim loại được đưa vào bên trong lòng bếp. Khi các trường tổ chức nấu cơm, thức ăn cho học sinh, nhiệt độ từ bếp ăn sẽ đồng thời được cung cấp cho hệ thống ống. Nước khi đó sẽ được cấp vào và thoát ra liên tục. Các ống được nối zích zắc với nhau, dàn bên trên vừa là hệ thống ống dẫn nước vừa thay cho kiềng nấu, dàn ống bên dưới sẽ tận dụng nhiệt của tro nóng, than nóng trong bếp.
Mô hình bếp lò đun tạo nước nước nóng được triển khai từ năm 2016 với chi phí khoảng 2,5-10 triệu/bếp (tùy thuộc vào kích thước bếp và chất liệu ống). Ưu điểm của bếp là tiết kiệm được 25% nhiên liệu khi đun nấu thức ăn, bếp không có khói, và đặc biệt mỗi ngày tạo được 500 lít nước nóng với nhiệt độ 70-80 độ.
Hiện, mô hình bếp lò đun tạo nước nóng đã triển khai ở 40 trường dân tộc nội trú của 5/9 huyện (Bắc Hà, Simacai, Sapa, Bát Xát, Mường Khương) của Lào Cai. Tuy nhiên, anh Bùi Ngọc Minh cho biết do kinh phí hạn hẹp, hầu hết các bếp đều chưa có bình bảo ôn để tích trữ nước nóng nên nước nóng chủ yếu được sử dụng vào buổi sáng và buổi chiều. Các trường thường nấu ăn từ 9h khi các em đang học, nên tới buổi trưa các em học xong thì nhiệt độ chỉ còn khoảng 40 độ.
Chia sẻ về hướng triển khai sắp tới, anh Minh cho biết sẽ thiết kế thêm hệ thống dùng để sấy bát và sấy quần áo. Với đặc thù vùng cao, rất nhiều trường ở một số xã sương mù quanh năm, kể cả mùa hè, nên bát sau khi rửa kê lên giá sau 1-2 tiếng vẫn chưa khô, đặc biệt quần áo của học sinh vùng cao (có thể dùng máy vắt) nhưng cũng không khô được. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ thiết kế hệ thống ống có thể tạo ra hơi nóng để sấy bát, quần áo. Đồng thời, sẽ đầu tư thêm hệ thống bình bảo ôn với dung tích 300-500 lít cho các trường để giữ nước nóng tiết kiệm nước nóng khi đun nấu vào buổi trưa”, anh Minh chia sẻ. Anh cũng mong muốn kết quả dự án được nhân rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc, những vùng có học sinh người dân tộc thiểu số trong điều kiện đặc biệt khó khăn.