Sinh ra trong cảnh nô lệ, trưởng thành trong cảnh mồ côi, George Washington Carver đã phấn đấu học hành để vượt lên số phận nghiệt ngã. Không những vậy, ông còn dùng năng lực của mình để cải thiện đời sống của hàng chục triệu con người chung màu da.

Thời thơ ấu trắc trở

Cậu bé George Washington Carver sinh ra vào khoảng năm 1860 tới 1865 trong một trang trại gần Diamond, Missouri; họ Carver của ông lấy theo tên ông chủ trang trại người da trắng Moses Carver. Khi còn ẵm ngửa, bé George cùng mẹ và chị gái đã bị một băng cướp nô lệ hoành hành ở Missouri trong thời Nội chiến bắt cóc. Và rồi họ bị rao bán lại ở Kentucky.

Ông chủ trang trại đã thuê hàng xóm tìm kiếm và mang ba người về, thế nhưng họ chỉ thành công cứu được George, nhờ đổi bằng con ngựa tốt nhất của Moses. George lớn lên mà chẳng biết gì về mẹ, hay người cha đã mất trong một vụ tai nạn trước khi cậu sinh ra.


Năm 1865, Nội chiến chấm dứt kéo theo sự kết thúc của chế độ nô lệ. George trở thành người tự do, nhưng vì mồ côi nên cậu tiếp tục sống trong trang trại của người chủ cũ của mẹ. George và người anh James được ông chủ cùng vợ là Susan nuôi nấng như con của mình, dạy họ biết học biết viết. James từ bỏ việc học và tập trung chăm lo công việc đồng ánh cùng với Moses. Trong khi đó, George quá ốm yếu để làm những việc nặng nhọc, nên cậu theo bà Susan học nấu nướng, may vá, giặt giũ và làm vườn, cũng như phối một số loại thuốc thảo dược.

Ngay từ hồi niên thiếu, George Carver đã quan tâm tới thực vật và thử nghiệm các thuốc trừ sâu, diệt nấm và chất điều hòa đất tự nhiên. Cậu được nông dân địa phương gọi là “bác sĩ thực vật” nhờ khả năng tìm ra cách cải thiện tình trạng của khu vườn, cánh đồng và vườn cây ăn trái của họ.

Con đường học vấn gập ghềnh

Vào những năm 1880, các ngôi trường dành cho học sinh da trắng ở địa phương không chấp nhận học sinh gốc Phi. Năm lên 11 tuổi, Carver rời trang trại để tới học tại một trường dành cho người da đen ở ở thị trấn Neosho gần đó. Thế nhưng ngôi trường không có nội trú nên cậu phải ngủ nhờ tại các trang trại.

Một cặp vợ chồng người da đen không con là Andrew và Mariah Watkins đã cho Carver nơi ăn chốn ở, bù lại cậu sẽ giúp họ việc nhà. Tại đây, cậu được bà Mariah - một bà đỡ kiêm y tá - truyền lại cho nhiều kiến thức về dược thảo cũng như lòng mộ đạo. Bà Mariah cũng là người đã cải lại tên cho ông thành George Carver từ cách gọi ban đầu là Carver’s George, cái tên mang hàm ý vật sở hữu.

Thất vọng với cách giảng dạy ở trường Neosho, Carver chuyển tới Kansas khoảng hai năm sau đó, đồng hành cùng nhiều người da đen khác đi về phía Tây. Trong mười năm tiếp theo, Carver di chuyển liên tục, tự trang trải học phí và sống được nhờ các kỹ năng nội trợ học được từ những người mẹ nuôi.

Năm 1880, anh tốt nghiệp trường trung học Minneapolis ở Minneapolis, Kansas, và nộp đơn vào Đại học Highland ở Kansas (ngày nay là Đại học Cộng đồng Highland). Ban đầu anh được nhận vào trường đại học toàn người da trắng, nhưng rồi bị từ chối khi ban quản lý biết anh là người da đen.

Vào cuối những năm 1880, Carver kết bạn với nhà Milholland, một cặp vợ chồng da trắng ở Winterset, Iowa, họ khuyến khích anh theo đuổi con đường học vấn cao hơn. Bất chấp trở ngại trước đây, anh nộp đơn đăng ký vào Đại học Simpson, một trường thuộc hội Giám lý, nhận mọi thí sinh ứng tuyển đủ tiêu chuẩn.

Năm 1890, Carver tới học nghệ thuật và piano ở Đại học Simpson, kiếm tiền học nhờ làm việc giặt giũ, nấu nướng và bán tranh vẽ. Ban đầu, mong ước của anh là kiếm được tấm bằng giảng dạy để hành nghề sau này. Thế nhưng, một trong những người thầy của anh là Etta Budd tỏ lòng hoài nghi về việc một người đàn ông da đen có thể kiếm sống khi làm nghệ sĩ. Sau khi biết được anh hứng thú với cây cỏ hoa lá, thầy Budd liền khuyến khích Carver nộp đơn vào Trường Nông nghiệp Bang Iowa (nay là Đại học Bang Iowa) để nghiên cứu về thực vật học.

Con người làm nên lịch sử

Năm 1894, Carver trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên lấy bằng Cử nhân Khoa học. Ấn tượng với nghiên cứu của Carver về bệnh nhiễm nấm ở cây đậu tương, các người thầy đã đề nghị anh ở lại để nghiên cứu sau đại học.


Carver trong phòng thí nghiệm vào năm 1923.

Carver được làm việc với nhà nghiên cứu nấm nổi tiếng L.H. Pammel tại Trạm Thí nghiệm Bang Iowa, nhờ thế anh được trau dồi kỹ năng trong việc xác định và điều trị các bệnh của thực vật.

Năm 1896, Carver lấy bằng Thạc sĩ Nông nghiệp và ngay lập tức nhận được một số lời mời, hấp dẫn nhất trong số đó là lời đề nghị tới từ Booker T. Washington (sau này George lấy họ của ông thêm vào tên của mình) của Viện Tuskegee (nay là Đại học Tuskegee) ở Alabama.

Washington đã thuyết phục những người được ủy thác của trường đại học thành lập một trường nông nghiệp, ngôi trường này chỉ có thể do Carver điều hành nếu Viện Tuskegee muốn giữ chân đội ngũ giảng viên toàn người da đen. Carver nhận lời đề nghị và làm việc tại Viện Tuskegee cho đến cuối đời.

Viện Tuskegee

Thời gian công tác lúc đầu của Carver tại Viện Tuskegee không hề suôn sẻ. Lý do là bởi đào tạo nông nghiệp không phải việc phổ biến – những nông dân ở miền Nam tin rằng họ đã biết làm sao để canh tác trồng trọt, còn các sinh viên coi việc đi học là phương cách để trốn khỏi công việc nhà nông. Ngoài ra, nhiều giảng viên bất mãn với Carver vì ông có mức lương cao hơn và yêu cầu được sử dụng hai căn phòng ký túc xá, một căn để ở và căn còn lại dùng để lưu trữ các mẫu thực vật.

Carver cũng phải chật vật ứng phó với những yêu cầu từ vị trí giảng viên. Ông muốn dành thời gian cho nghiên cứu nông nghiệp theo hướng hỗ trợ những người nông dân, nhưng ông cũng phải đảm nhận nhiệm vụ quản lý hai cánh đồng của trường, giảng dạy, đảm bảo cho khu vệ sinh và các thiết bị vệ sinh hoạt động tốt, và đảm nhận chức vụ ở nhiều hội đồng và ủy ban.

Carver và Washington có mối quan hệ phức tạp và thường xung đột với nhau, một phần vì Carver không muốn đứng lớp nhiều (dẫu sinh viên yêu quý ông ấy). Carver cuối cùng được như ý khi Washington qua đời vào năm 1915 và kế nhiệm ông là Robert Russa Moton, người đã giải thoát Carver khỏi nhiệm vụ giảng dạy ngoai trừ trường học hè.

Thành tựu của George Washington Carver

Vào thời điểm này, Carver đã gặt hái được nhiều thành công trong phòng thí nghiệm và trong cộng đồng. Ông dạy cho những người nông dân nghèo cho lợn ăn quả sồi thay vì thức ăn công nghiệp và làm giàu cho đất trồng bằng phân chuồng chứ không dùng phân bón. Từ năm 1915 tới năm 1923, ông đã phát triển những kỹ thuật để cải thiện đất đai bị xói mòn nhờ luân canh.

Qua nghiên cứu về hóa học đất đai, Carver biết được rằng nhiều năm trồng bông đã làm cạn kiệt dưỡng chất trong đất, dẫn tới sản lượng thấp. Nhưng nhờ trồng những loài thực vật cố định đạm như đậu phộng, đậu nành và khoai lang, đất sẽ được phục hồi, làm cho năng suất cây trồng tăng mạnh khi người nông dân quay trở lại trồng bông một vài năm sau.

Để trợ giúp thêm cho những người nông dân, cũng như hưởng ứng tôn chỉ của Washington lúc sinh thời là “mang bài giảng tới cho cộng đồng”, ông đã tạo ra xe Jessup, đặt theo tên của nhà tài trợ là Morris K. Jesup. Chiếc xe di động này (ban đầu là xe ngựa kéo, sau thành xe tải) là ngôi trường và phòng thí nghiệm di động để minh họa và chia sẻ những kĩ thuật mới nhất cho người nông dân.

Biến tấu từ đậu phộng

Nhờ phương pháp luân canh của ông, người nông dân được hưởng lợi rất nhiều từ sản lượng bông cao. Thế nhưng, phương pháp này tạo ra một kết quả không ai dự tính tới: đậu phộng và các sản phẩm không phải bông khác dư thừa rất nhiều.

Carver liền bắt tay vào tìm kiếm những cách sử dụng khác cho các sản phẩm này. Chẳng hạn, ông nghĩ ra vô số sản phẩm từ khoai lang, từ những sản phẩm ăn được như bột và giấm cho tới những sản phẩm không phải đồ ăn như phẩm màu, thuốc nhuộm và mực viết.

Nhưng thành công lớn nhất của ông tới từ đậu phộng. Với óc tò mò cùng kiến thức sâu rộng về hóa học và vật lý, ông đã nghiên cứu về đậu phộng và phát triển hơn 300 loại thực phẩm sản phẩm công nghiệp và thương mại từ loại hạt này. Các sản phẩm bao gồm sữa, nước sốt Worcestershire, rượu, dầu ăn, dầu trộn salad, giấy, mỹ phẩm (phấn nền, dầu gội đầu, kem cạo râu, kem dưỡng da tay), xà phòng, thuốc trừ sâu, keo dán, than củi, cao su, nhựa, dầu bôi trơn trục xe, sơn gỗ... Ông cũng thử nghiệm tạo ra các loại thuốc dựa trên đậu phộng, chẳng hạn như thuốc sát trùng, thuốc nhuận tràng và thuốc trị bướu cổ. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều khám phá trong số này không được ứng dụng rộng rãi.

Vào năm 1921, Carver thay mặt cho ngành công nghiệp đậu phộng tham gia Ủy ban Cách thức và Phương tiện của Hạ viện Hoa Kỳ để tìm bảo hộ thuế quan cho sản phẩm từ loại hạt này. Tuy bài phát biểu không bắt đầu suôn sẻ, nhưng ông đã mô tả rất nhiều sản phẩm làm được từ đậu phộng, nhờ thế mà thuyết phục được ủy ban chấp thuận mức thuế quan bảo hộ cao cho loài đậu này. Sau đó, ông trở thành nơi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đậu phộng tìm tới để hỏi xin ý kiến, và ông sẵn lòng cho họ lời khuyên, tư vấn mà không đòi hỏi đáp đền.

Từ đây, ông được gọi bằng biệt danh Người đậu phộng.

Danh tiếng và di sản

Trong hai thập kỷ cuối đời, ông dùng danh tiếng có được để giúp đỡ cộng đồng. Ông đi khắp miền Nam để thúc đẩy sự hòa hợp chủng tộc, ông còn tới Ấn Độ để thảo luận về vấn đề dinh dưỡng tại các quốc gia đang phát triển với Mahatma Gandhi. Từ năm 1898 tới khi qua đời vào năm 1943, ông liên tục phát hành các tập san cho người dân, tổng cộng là 44 tập. Một số cuốn có nội dung về phát hiện nghiên cứu, nhưng đa phần là các vấn đề thực tế hơn về tự nhiên, bao gồm thông tin canh tác cho người nông dân, thông tin khoa học cho giáo viên và công thức nấu ăn cho những người nội trợ.

Carver qua đời vào 5/1/1943, tại Viện Tuskegee sau khi ngã cầu thang, thọ 78 tuổi. Ông được chôn cất cạnh mộ Booker T. Washington trong khuôn viên Viện Tuskegee.

Ngay sau khi ông mất, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký luật cho dựng tượng đài Carver, một vinh dự trước đây chỉ trao cho các tổng thống George Washington và Abraham Lincoln. Đài tưởng niệm Quốc gia George Washington Carver hiện nằm ở Diamond, Missouri. Carver cũng được đưa vào Đại sảnh Danh vọng Nhà phát minh Quốc gia; tên của ông cũng được dùng để đặt cho nhiều bảo tàng, công viên và trung tâm. Carver là một biểu tượng cho thành tựu trí tuệ của người Mỹ gốc Phi, không quá khi nói rằng ông đã góp phần vực dậy kinh tế của miền Nam.

George Washington Carver để lại câu châm ngôn:

“Trong cuộc đời, bạn tiến xa được tới đâu phụ thuộc vào việc đối xử nhẹ nhàng với trẻ nhỏ, thương xót cho người có tuổi, cảm thông cho người đang nỗ lực phấn đấu và khoan dung với kẻ dù yếu dù mạnh. Bởi vì, một thời điểm đó trong cuộc đời, bạn sẽ rơi vào những hoàn cảnh như thế”.

Nguồn: nationalpeanutboard.org, history.com, nps.gov, sciencehistory.org, carveraz.org