Nhiều địa phương chưa sát sao việc khảo sát, xác định nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, do đó không đánh giá được chính xác nhu cầu công nghệ và chưa triển khai được các bước tiếp theo để kết nối, chuyển giao.
Ngày 19/7 tại TPHCM, Bộ KH&CN đã phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ tại khu vực phía Nam”, nhằm triển khai hiệu quả hoạt động tìm kiếm và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tiềm năng hợp tác công nghệ từ nước ngoài
Ông Lê Văn Chính, đại diện KH&CN Việt Nam tại New York (Mỹ), cho biết, năm 2022, Mỹ đã ra chính sách mới trong đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Cụ thể, đầu tư trên 50 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển nhân lực phục vụ ngành bán dẫn. Trong đó, 39 tỷ USD nhằm khuyến khích sản xuất chất bán dẫn. Hiện đã có trên 250 tỷ USD được đầu tư từ khu vực tư nhân, vào ngành công nghiệp bán dẫn và Mỹ cần gần 115 ngàn việc làm bán dẫn vào năm 2030.
Theo ông Chinh, một số công nghệ tiềm năng mà Việt Nam có thể hợp tác với Mỹ như sản xuất chất bán dẫn thân thiện với môi trường, kích thước nhỏ để ứng dụng trong các bóng bán dẫn quy mô nguyên tử thế hệ mới, xử lý thông tin quang tốc độ cao và công nghệ máy tính lượng tử. Ngoài ra, còn có các công ứng dụng trong lĩnh vực quang học, đo đạc chính xác, xử lý vật liệu; Xác định và hiển thị các tế bào ung thư của mẫu sinh thiết; Xác định khoáng chất trong mẫu thăm dò mỏ; Khắc dấu vào chip để quản lý;…
Ông Nguyễn Mạnh Thao, đại diện KH&CN Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, Đài Loan có thế mạnh về công nghệ điện tử - bán dẫn, công nghệ thông tin, nông nghiệp,… Nhiều trường đại học công lập của Đài Loan nằm trong Top 500 đại học thế giới, lực lượng giáo sư đa phần nghiên cứu từ Mỹ trở về Đài Loan giảng dạy học.
Những công nghệ có thể hợp tác với Đài Loan như sản xuất thức ăn tôm hùm, nhân giống cá sú mì, giám sát không khí, quan trắc sạt lở đất, tái chế tấm pin quang điện, xử lý rác thải điện tử, tái chế rác thải nhựa làm nguyên liệu dệt may, lọc nước biển thành nước ngọt quy mô vừa và nhỏ,…
Còn ở Thượng Hải, một số công nghệ Việt Nam có thể hợp tác như xử lý đất nhiễm mặn, nước nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt... Ngoài ra, một số công nghệ khác từ Thượng Hải có thể chuyển giao như sóng đàn hồi trong kiểm tra vật liệu xây dựng, Robot lắp đặt ván sàn, dây chuyền sản xuất mì rau củ ăn liền,…
Theo ông Bùi Việt Khôi, Trưởng Bộ phận đại diện KH&CN tại Canberra, Australia, Việt Nam và Australia có nhiều thuận lợi trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đó là hai nước mới nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện (3/2024), thúc đẩy hợp tác KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các trường đại học tại Úc được xếp hạng cao trên thế giới, coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, đối mới sáng tạo. Các lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác như AI, vi mạch bán dẫn, lượng tử, ứng phó với biến đổi khí hậu (Đại học Melbourne đã có nhiều kết quả nghiên cứu về các công nghệ vật liệu xây dựng mới bền vững trong môi trường ngập mặn, nhà module phòng chống thiên tai),…
Nhu cầu công nghệ từ địa phương
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó cục trưởng Cục Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Bộ KH&CN cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã xác định nhu cầu tìm kiếm chuyển giao công nghệ nước ngoài từ 63 địa phương. Đồng thời, gửi các các công nghệ cần tìm kiếm chuyển giao theo đề xuất của địa phương, đến Bộ phận đại diện KH&CN ở nước ngoài.
Cụ thể như Bến Tre muốn hợp tác với Bệnh viện Đại học Nagoya, Nhật Bản về công nghệ chẩn đoán, phẫu thuật, hóa xạ trị bệnh ung thư; chẩn đoán, can thiệp điều trị bệnh tim mạch, bệnh mạch máu tạng, mạch máu ngoại vi; hợp tác với Philippines về chuyển giao dây chuyền sản xuất nước dừa cô đặc phục vụ cho công nghiệp sản xuất nước giải khát.
TPHCM thì mong muốn hợp tác với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ chuyển giao công nghệ nuôi vi khuẩn quang hợp Purple Non Sulphur Bacteria trong nuôi tôm, in mô hình tim 3D, Giải pháp thiết kế tòa nhà và tạo layout nhanh trong 24h, kỹ thuật thủy châm SRG, làm lạnh sâu để bảo quản dược liệu, cao chiết dược liệu,….
Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất hợp tác với các nước trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu các vấn đề như Xét nghiệm micro-ARN chẩn đoán bệnh lạc nội mạc tử cung; Nghiên cứu các mô hình và giải pháp trong giảm thiểu chất thải và tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản, làng nghề, sản xuất công nghiệp; Thu hồi, giảm thải phát thải CO2 và chuyển hoá năng lượng;…
Ông Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở KH&CN Kiên Giang, cho biết, Kiên Giang có nhiều cơ sở chế biến bột cá gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này. Vì vậy, ông mong muốn có công nghệ xử lý được vấn đề này cho tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chưa chủ động được nguồn cá mú giống, nên cần được chuyển giao công nghệ sản xuất cá mú giống từ các đơn vị trong và ngoài nước.
Cần sát sao nhu cầu về công nghệ
Chia sẻ một số khó khăn trong tìm kiếm và chuyển giao công nghệ, ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết, nhiều địa phương hiện chưa sát sao việc khảo sát, xác định nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Do đó không đánh giá chính xác nhu cầu công nghệ và chưa triển khai được bước tiếp theo để kết nối, chuyển giao. Nhu cầu công nghệ nước ngoài từ các địa phương hiện còn thấp, chưa cụ thể. Nhiều địa phương sau khi đề xuất tên công nghệ thì chưa làm rõ thông tin về công nghệ, đầu mối doanh nghiệp tiếp nhận. Đối với doanh nghiệp của Việt Nam, cũng chưa thực sự xác định rõ được nhu cầu công nghệ của mình.
Để thuận lợi trong tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, ông Hoàng cho rằng, các Sở KH&CN cần tích cực hơn nữa trong việc xác định nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp tại địa phương. Tránh tình trạng không nắm được thông tin về doanh nghiệp đề xuất, làm mất công sức tìm kiếm công nghệ của các đại diện KH&CN ở nước ngoài. Doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ, cần làm rõ thông tin để các đại diện triển khai làm việc với các đối tác, tìm kiếm công nghệ cho phù hợp. Đối với các viện, trường khi có nhu cầu mới về chuyên gia, hợp tác nghiên cứu, công nghệ mới, đào tạo, chương trình hợp tác, thông tin, đoàn ra hợp tác với đối tác,... cần trao đổi liên hệ trực tiếp với Bộ KH&CN và các đại diện KHCN ở nước ngoài để phối hợp triển khai.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài được xây dựng 15 năm qua ở 15 quốc gia với 23 địa bàn trọng điểm, có hợp tác sâu rộng về KH&CN với Việt Nam.
Các đại diện này thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng và kết nối trực tiếp với các nhà khoa học người Việt, người gốc Việt dựa trên nhu cầu của các viện trường, doanh nghiệp trong nước để giới thiệu, tìm hiểu hiểu các chiến lược, văn kiện, văn bản pháp luật về KH&CN của các quốc gia. Qua đó, tư vấn cho Bộ KH&CN và các trường viện, doanh nghiệp trong nước có nhu cầu và kết nối trực tiếp các nguồn công nghệ của viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp nước ngoài với các đơn vị trong nước có nhu cầu.
“Với mô hình này, Bộ KH&CN mong muốn có mô hình kết nối chuyển giao công nghệ, từ nước ngoài về Việt Nam, thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học với vai trò tư vấn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp trong nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh và khuyến khích các đơn vị trong nước mạnh dạn đề xuất những ý tưởng, nghiên cứu, công nghệ và mong muốn hợp tác với các đối tác nước ngoài nào, để các đại diện KH&CN có thể kết nối, hỗ trợ hợp tác.