Những vấn đề này đã được làm nổi bật tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng nhận” do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 11/11 vừa qua, khi hơn 100 tổ chức chứng nhận tại Việt Nam lần đầu tiên có một diễn đàn chung để chia sẻ về những vướng mắc khi triển khai hoạt động và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Dưa Nhật Bản trồng trong nhà lưới theo tiêu chuẩn Global Gap tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nam, đơn vị 100% vốn của Vinaseed. Ảnh: Mỹ Hạnh, 2020
Còn nhiều hạn chế
Không thể phủ nhận rằng hoạt động chứng nhận - một hoạt động kinh doanh có điều kiện - ở Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong những năm vừa qua. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, hiện nay Việt Nam đã tạo được cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) tại Việt Nam và phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm hàng hóa nhóm hai (sản phẩm, hàng hóa được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật).
Cụ thể, cơ sở này bao gồm Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cùng với một loạt văn bản quan trọng như Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành, và các Thông tư 28/2012/TT- BKHCN, Thông tư 02/2017/TT- BKHCN, Thông tư 06/2020/TT- BKHKCN quy định về phương thức chứng nhận, dấu hợp chuẩn, hợp quy,.. Không chỉ có cơ sở pháp lý, hiện nay Việt Nam đã bước đầu chuẩn hóa được năng lực và tạo cơ chế bình đẳng cho hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, đồng thời đã xã hội hóa được hoạt động ĐGSPH theo chủ trương của chính phủ, từ đó giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi như vậy, hoạt động chứng nhận tại Việt Nam đã bộc lộ không ít bất cập trong thời gian gần đây. Một trong những vấn đề đáng chú ý là “các tổ chức chứng nhận hiện nay có tình trạng không đánh giá đầy đủ theo các yêu cầu của tiêu chuẩn nhưng vẫn cấp chứng chỉ, đặc biệt là các chứng chỉ liên quan đến chứng nhận sản phẩm, đồng thời không thực hiện giám sát 12 tháng/lần theo quy định”, bà Mai Hương cho biết. Bên cạnh đó, có hiện tượng cử chuyên gia đánh giá không có năng lực (chưa được đào tạo chuyên gia đánh giá, không có code phù hợp cho lĩnh vực) đi đánh giá, cử chuyên gia chưa được phê duyệt hoặc không phải chuyên gia trong hồ sơ nộp đăng ký tại Tổng cục.
Một vấn đề đáng bàn khác liên quan đến chứng nhận sản phẩm là tình trạng lấy mẫu không đủ để thử nghiệm; thử nghiệm không hết các chỉ tiêu theo quy định của tiêu chuẩn nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn; thử nghiệm tại các tổ chức thử nghiệm chưa đăng ký theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó, “hiện nay có rất nhiều tổ chức chứng nhận ‘lách luật’, cấp giấy xác nhận phù hợp theo tiêu chuẩn cơ sở, trong khi đó theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì phải sử dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài để đánh giá hợp chuẩn chứ không phải là dùng tiêu chuẩn cơ sở”, bà Mai Hương cho hay.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, những bất cập còn bộc lộ ở sự vênh nhau giữa các quy định cũ và thực tiễn mới. Theo bà Mai Hương, “một vấn đề rất vướng mắc” là thời gian vừa qua có nhiều hệ thống quản lý mới ra đời, không phải chỉ do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành mà còn do các hiệp hội ban hành, song các nội dung quy định trong Nghị định 107 về đào tạo chuyên gia, kinh nghiệm đánh giá lại yêu cầu phải có 20 ngày công để chứng minh năng lực - một điều bất khả với các chương trình chứng nhận mới.
Từ góc độ của một tổ chức chứng nhận, ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT cũng cho rằng, dù “văn bản pháp luật của chúng ta cũng khá cập nhật so với những chuẩn mực quốc tế và thực tiễn về hoạt động chứng nhận” nhưng vẫn còn sự thiếu nhất quán giữa các văn bản. Chẳng hạn, nghị định 154 có các quy định về quản lý các tổ chức chứng nhận, song nghị định số 62/2016/NĐ-CP trong lĩnh vực xây dựng cũng lại có những nội dung quản lý tương tự nhưng linh hoạt hơn, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực tế. Bên cạnh đó, đối với một mảng hẹp trong chứng nhận là chứng nhận hợp quy, “không phải quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) nào cũng có hướng dẫn về phân nhóm, lấy mẫu, trong khi đó các văn bản hướng dẫn (nếu có) thì lại không phải là văn bản pháp luật”, ông Dũng cho hay. Ngoài ra, nội dung yêu cầu của QCVN và các TCVN được viện dẫn có lúc còn chưa nhất quán (như tên gọi, chỉ tiêu kĩ thuật, phương pháp thử); hay một sản phẩm được quy định bởi nhiều QCVN khác nhau do các bộ ban hành (như điện – điện tử, sơn).
Đáng chú ý, năng lực thử nghiệm tại Việt Nam đôi khi cũng chưa đáp ứng việc thử nghiệm đầy đủ tất cả các chỉ tiêu theo yêu cầu của tiêu chuẩn. “Dù đã có các phòng thử nghiệm chuyên ngành khá lớn, tuy nhiên đôi khi chúng tôi đi hỏi năng lực thử nghiệm cho một tiêu chuẩn cụ thể như săm lốp cao su thì cũng khó có một đơn vị nào có thể thử đủ tất cả các chỉ tiêu”, ông Dũng nêu vấn đề. Ngược lại, một số QCVN lại có yêu cầu thử nghiệm ở một số điều kiện không thích hợp với Việt Nam, ví dụ như thử độ bền băng giá đối với ống nhựa, thử độ bền đâm xuyên, hấp thụ xung động ở nhiệt độ âm 10°C.
Giải pháp từ chính sách
Vậy trong bối cảnh yêu cầu của xã hội ngày càng đa dạng và thay đổi liên tục như hiện nay, cần làm gì để nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng nhận? “Có hai khía cạnh cần quan tâm, đó là: xây dựng hệ thống quản lý nói chung và xây dựng nguồn năng lực nhân sự phù hợp - yếu tố quyết định cho chất lượng hoạt động đánh giá”, ông Lê Sỹ Trung - Tổng giám đốc của Công ty TNHH TUV NORD Việt Nam nhận định. Theo ông Trung, hiện nay nguồn nhân lực thực sự được đào tạo chính thống ở các trường đại học về các tiêu chuẩn ISO rất hạn chế. “Chúng tôi thường lấy nhân sự từ các doanh nghiệp, sau đó đào tạo mất vài tháng hoặc vài năm, nhưng nguồn lực này rõ ràng là không đủ”, ông cho biết và đề xuất việc xây dựng những chương trình đào tạo thường niên từ cơ quan quản lý nhà nước - tương tự như các hoạt động chuẩn hóa mà Viện Năng suất (Tổng cục TCĐLCL) đã thực hiện - để tạo ra đủ nguồn nhân lực chuyên gia tốt ngay từ ban đầu.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng những nhu cầu mới từ thực tiễn, ông Quốc Dũng cho rằng, có thể điều chỉnh yêu cầu về cách chứng minh năng lực đối với các chương trình chứng nhận theo các tiêu chuẩn mới (như chứng nhận hệ thống quản lý), theo đó xem xét năng lực theo những chương trình tương đương. Về phạm vi đăng ký, ông Dũng kiến nghị nên cấp đăng ký theo nhóm sản phẩm (tham khảo hệ thống phân loại theo HS, hệ thống phân loại sản phẩm Bắc Mỹ NAPCS...), không cấp theo phiên bản tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, do năng lực thử nghiệm tại Việt Nam còn điểm hạn chế như đã đề cập ở trên, ông Dũng đề xuất việc cho phép chứng nhận hợp chuẩn một phần tiêu chuẩn (không đủ chỉ tiêu) với điều kiện không cấp dấu hợp chuẩn và ghi rõ chỉ tiêu được chứng nhận hoặc kèm phụ lục.
Trước những đề xuất này, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục Trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) cho biết Tổng cục cũng đang nghiên cứu các phương án và việc sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm Hàng hoá, cũng như giải quyết bất cập trong việc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cơ sở - vốn đang chưa có trong quy định trước đây.
Chia sẻ thêm về những giải pháp mà Tổng cục hướng đến, bà Mai Hương cho hay, cơ quan này đang xây dựng đề án phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia NQI (gồm hạ tầng về tiêu chuẩn, đo lường, công nhận và ĐGSPH), trong đó, định hướng sẽ xây dựng mô hình tổ chức chứng nhận quốc gia, đồng thời quản lý các chuyên gia đánh giá và hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá theo cách thức của tổ chức quốc tế IRCA; nghiên cứu định hướng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Song song với đó, Tổng cục cũng xây dựng đề án chuyển đổi số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lường, trong đó hình thành hạ tầng số, dữ liệu số về tổ chức chứng nhận, chuyên gia đánh giá, cơ sở đào tạo chuyên gia đánh giá, giảng viên đào tạo; cũng như xây dựng nền tảng số iSTAMEQ để cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan quản lý và tăng cường kết nối chia sẻ dữ liệu. “Khi đầy đủ cơ sở dữ liệu như vậy, các tổ chức cần đăng ký bổ sung hoặc đăng ký mới sẽ không cần phải nộp bổ sung tài liệu giấy theo quy định” - một công đoạn vốn mất khá nhiều thời gian như trước nữa, bà Mai Hương cho hay.