Trung tâm Chuyển đổi số Bình Dương vừa được UBND tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông. Đây sẽ là đầu mối, cơ quan chuyên môn hỗ trợ UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác chuyển đổi số.

Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ chính như tham mưu, đề xuất chiến lược, chương trình, kế hoạch và giải pháp về chuyển đổi số cho tỉnh; tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về chuyển đổi số của Sở Thông tin và Truyền thông; hỗ trợ các sở, ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp chuyển đổi số.

Trung tâm cũng tư vấn, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ, nền tảng số cho cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; thực hiện các nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về chuyển đổi số; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số.

V
Sản phẩm phục vụ chuyển đổi số tại Bình Dương. Ảnh: BD

Đồng thời, Trung tâm còn làm cầu nối phối hợp các doanh nghiệp nền tảng của tỉnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chuyển đổi số toàn diện.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, đến nay, tỉnh đã phát triển hạ tầng số với độ phủ cáp quang tới khu phố, ấp. 100% xã, phường, thị trấn có mạng truyền số liệu chuyên dùng, 3.666 trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) phát sóng 4G phủ 100% toàn tỉnh phục vụ 4 triệu thuê bao.

Tỉnh hiện có 100% hồ sơ xử lý trên môi trường mạng; 1,2 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2; 70% đối tượng an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 1.586/1.887 thủ tục hành chính trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76%; biểu mẫu điện tử (eForm) đã triển khai 100%.

Tỉnh có khoảng 65.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 45.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 6.500 doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh điện - điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số.