Chế phẩm do nhóm tác giả ở Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM sản xuất, có khả năng cải thiện môi trường nước, giúp tôm phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp và sinh trưởng khoẻ mạnh.

Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới…

Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn công nghiệp, giống sinh sản nhân tạo ở mật độ cao, sự di nhập tôm giống và tôm bố mẹ,… đã dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của nhiều bệnh dịch nguy hiểm.

Trong đó, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm (AHPND) hay còn gọi là hội chứng tôm chết sớm (EMS) liên quan đến việc quản lý môi trường ao nuôi, với nhóm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là nguyên nhân chính gây bệnh. Tỉ lệ tử vong của cả quần thể tôm trong cùng một khu vực có thể lên đến 100%.

Ở huyện Cần Giờ, TPHCM, nơi 35 ha trong tổng diện tích nuôi tôm 6.000 ha (tương đương 14%) bị mắc bệnh AHPND, tác động nghiêm trọng đến tôm từ 20 - 58 ngày tuổi và gây chết nhanh trong vòng hai ngày.

Chế
Chế phẩm sinh họcZeolite. Ảnh: NNC

Hiện tại, chưa có phương pháp đặc trị hiệu quả vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trong ao nuôi.

Vì vậy, nhằm phát triển chế phẩm sinh học (CPSH) cải thiện môi trường nước và phòng trị bệnh AHPND ở tôm, nhóm tác giả Trườngi Đại học Tài Nguyên và Môi trường TPHCM đã thực hiện đề tài nghiên cứu tạo chế phấm Zeolite sinh học.

Zeolite là tên chung chỉ vật liệu khoáng vô cơ, có cùng thành phần là aluminosilicat. Nó có mạng lưới anion cứng chắc với các lỗ xốp và các kênh mao quản chạy khắp mạng lưới, giao nhau ở các khoảng trống. Các khoảng trống này chứa các ion kim loại, có thể trao đổi được (Na+,Ka+) với các phân tử bên ngoài xâm nhập vào.

Zeolite có nguồn gốc từ tự nhiên và tổng hợp (từ sự phân hủy các nguồn nhôm và silic trong đung dịch kiềm mạnh). Loại vật liệu này có tính hấp phụ, trao đổi ion, acid, bền nhiệt,… Zeolite sinh học có các thành phần như SiO2, Na2O, CaO, MgO, Bacillus, LactoBacillus,…

Zeolite, kết hợp với vi sinh, được sử dụng để tạo ra CPSH, có thể giúp hấp thụ các khí độc, kim loại nặng trong ao, làm sạch nước, ổn định độ pH và màu nước, đồng thời cung cấp ôxy hòa tan cho tôm nuôi.

c
Thử nghiệm chế phẩm trong ao nuôi tôm. Ảnh: NNC

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Bacillus subtilis, do vi khuẩn này có hiệu quả trong cải thiện môi trường nước và ức chế vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm.

Chế phẩm sinh học Zeoshrimp có dạng bột, được nhóm tác giả tạo ra bằng cách trộn Zeolite (SiO2, Al2O3) với vi khuẩn Bacillus subtilis sau khi đã sấy khô (độ ẩm dưới 10%) theo tỷ lệ 1:1, cùg với chất mang.

Thử nghiệm chế phẩm trên các ao (Ao 2) nuôi bị nhiễm bệnh AHPND tại Cần Giờ và so sánh với ao không sử dụng chế phẩm (đối chứng), Ao 1 sử dụng chế phẩm Aqua Clean bán trên thị trường, được người dân đang sử dụng.

Kết quả cho thấy, tôm ngừng chết hoàn toàn vào ngày thứ tám sau khi bổ sung chế phẩm, trong khi tỷ lệ chết ở ao đối chứng là 55%. Sau 12 tuần nuôi, trọng lượng tôm ao đối chứng đạt 15 – 17gr, Ao 1 là 18 – 19gr và Ao 2 là 19 – 20gr. Ngoài ra, môi trường nước trong ao nuôi khi bổ sung chế phẩm sinh học được cải thiện, giảm hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước.

Như vậy, chế phẩm Zeolite sinh học không chỉ làm giảm thiểu các chất gây độc trong môi trường ao nuôi, mà còn giúp phân hủy các hợp chất hữu cơ dư thừa, từ đó duy trì môi trường nước sạch và ổn định. Sự ổn định này bảo vệ sức khỏe của tôm, đồng thời kích thích chúng sử dụng thức ăn hiệu quả hơn, giúp tăng cường tốc độ sinh trưởng.

Nhóm tác giả khuyến cáo, hiệu quả xử lý nước của chế phẩm tốt nhất khi Bacillus subtilis ở mật độ tối thiểu là 103 CFU/mL. Liều dùng 4kg/1.000m3 nước, 1 lần/tuần trong tháng thứ nhất, các tháng tiếp theo có thể tăng số lần sử dụng/tuần, tùy theo chất lượng của nước khi kiểm tra.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.