Các bản kế hoạch của Hội đồng đổi mới châu Âu cho thấy họ sẽ tăng đầu tư cho các công nghệ lưỡng dụng, đánh dấu sự thay đổi một phần của chương trình tài trợ cho khoa học mang tên Horizon Europe vốn chỉ hỗ trợ các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực dân sự.
Trong cuốn Sách Trắng về tương lai quốc phòng châu Âu do Ủy ban châu Âu soạn thảo và công khai vào ngày 19/3/2025, Hội đồng Đổi mới sáng tạo châu Âu (EIC) và Quỹ đầu tư Nâng cấp quy mô TechEU sẽ cùng nhau đầu tư vào các công nghệ lưỡng dụng.
Sự thay đổi vai trò của EIC làm dấy lên tin đồn về khả năng chuyển giao trách nhiệm của hội đồng Đổi mới sáng tạo châu Âu sang Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), nơi cũng đang đầu tư cho các dự án công nghệ lưỡng dụng.
Trong văn bản mang tên “Competitiveness Compass”, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ làm việc với Nhóm EIB và các nhà đầu tư tư nhân để khởi thảo một chương trình đầu tư TechEU mới để hỗ trợ đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, vốn đang được chờ đợi hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng.
Hội đồng EIC chào đón thông tin mới này và lưu ý rằng chương trình đã hỗ trợ cho nhiều công nghệ mang tính đột phá với những ứng dụng trong lĩnh vực dân sự như an ninh mạng, máy bay không người lái và AI, cũng có thể chuyển sang ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng. Điều này cũng phù hợp với các nguyên tắc của Horizon Europe.
“Hội đồng EIC đã thảo luận về quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng trong cuộc họp tháng hai và tư vấn cho Hội đồng châu Âu rằng đây là một vấn đề quan trọng và kết nối với Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF), nơi cũng đang hỗ trợ cho những đổi mới sáng tạo mang tính đột phá”, Chủ tịch EIC Michiel Scheffer cho biết trong một thông cáo báo chí.
Một số chuyên gia đang kêu gọi EU mạnh dạn tiến xa hơn nữa. Riho Terras, Phó Chủ tịch của Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Nghị viện châu Âu, mới chỉ thấy Chương trình khung liên quan đến R&D về quốc phòng chứ chưa phải là công nghệ lưỡng dụng. “Chúng ta đang chứng kiến các cuộc xung đột, tại sao chúng ta lại e ngại đầu tư cho các công nghệ sẽ giúp bảo vệ chúng ta?”, Terras nói với Science|Business.
Các hiệu ứng tràn
“Công nghệ sẽ là một đặc trưng chính của cuộc cạnh tranh trong môi trường địa chính trị mới”, Sách Trắng lưu ý. Cuốn sách này nhấn mạnh vào tiềm năng của những đầu tư vào công nghệ quốc phòng là phải có “những hiệu ứng tràn” trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm hàng không, vũ trụ và AI.
Theo Sách Trắng, vào cuối năm nay, châu Âu sẽ đưa ra một lộ trình phát triển công nghệ vũ khí châu Âu để thúc đẩy đầu tư tư nhân, quốc gia và châu Âu vào nâng cao năng lực công nghệ lưỡng dụng tiên tiến, khởi đầu với AI, lượng tử.
Cecilia Bonefeld-Dahl, Tổng giám đốc Hiệp hội công nghiệp DigitalEurope, cho biết lộ trình được Hiệp hội đề xuất là một cơ hội để đầu tư sức mạnh châu Âu trong các công nghệ lưỡng dụng như AI, lượng tử và truyền thông bảo mật”.
Tuy vậy, nhiều đề xuất trong Sách Trắng đều thiếu chi tiết trong khi công cụ chính của Ủy ban châu Âu là hỗ trợ cho các dự án R&D quốc phòng, EDF, chỉ được đề cập qua loa.
Tập trung vào công nghệ
Thúc đẩy R&D được coi là một trong sáu hướng chiến lược mà EU phải hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Kurt Deketelaere, Tổng thư ký Liên đoàn các trường đại học nghiên cứu châu Âu, chào đón điều này nhưng lưu ý những đề xuất chỉ tập trung vào “tiềm năng đổi mới sáng tạo ngắn hạn” mà ít tập trung vào nghiên cứu.
Brussels thì kỳ vọng những cuộc chiến hiện đại sẽ được định hình bằng các công nghệ mới, bao gồm AI, điện toán đám mây và máy tính lượng tử cũng như các hệ tự động hóa, các nguồn năng lượng thay thế. Khi đề cập đến các robot quân sự có AI hỗ trợ, báo cáo cho rằng đó là “cơ hội để châu Âu vượt trội” song cảnh báo “cánh cửa hy vọng này rất nhỏ” vì những đối thủ cạnh tranh cũng đang dốc tiền đầu tư.
“Trong bối cảnh chi tiêu cho quốc phòng tiếp tục gia tăng, cần thiết có sự chia sẻ trong đầu tư vào R&D trong quốc phòng, tập trung các nỗ lực và nguồn lực vào các dự án của chung châu Âu”.
Ủy ban châu Âu cũng muốn đơn giản hóa và tăng tốc các quy tắc vận hành và thủ tục của EDF như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn trong việc cắt giảm thủ tục hành chính và khuyến khích đổi mới. Vào tháng 6/2025 tới, họ sẽ có một bài trình bày về những biện pháp đơn giản hóa thủ tục, bao gồm cho phép cấp phép nhanh hơn cho các dự án công nghiệp.
Trong khi ủng hộ sự thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục, Terras cũng tin tưởng có thêm biện pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để khuyến khích các công ty quốc phòng lớn đầu tư vào công nghệ đột phá.
Nhìn chung, báo cáo xác định cần đầu tư tiềm lực vào bảy lĩnh vực: phòng không, phòng thủ tên lửa; pháo binh; đạn dược và tên lửa; máy bay không người lái và hệ thống chống máy bay không người lái; khả năng cơ động của quân đội; AI, lượng tử, chiến tranh mạng, điện tử; các yếu tố hỗ trợ chiến lược và bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Chi tiêu nhiều hơn
Ủy ban châu Âu cũng trình bày kế hoạch ReArm Europe của mình, trong đó tuyên bố sẽ tăng kinh phí tới 150 tỷ Euro trên thị trường vốn để phân phối cho các quốc gia thành viên dưới hình thức cho vay. Các quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ mua sắm chung, nhằm mục đích giảm chi phí, đảm bảo khả năng tương tác của thiết bị và cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Họ cũng đã mời các quốc gia thành viên kích hoạt điều khoản thoát hiểm quốc gia của Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, cho phép họ chi thêm 1,5% GDP cho quốc phòng trong bốn năm tới mà không vi phạm các quy tắc tài chính của EU.
Hiệp hội công nghiệp quốc phòng châu Âu ASD ủng hộ thông báo này và nhấn mạnh vào nhu cầu của việc mua sắm chung và các hợp đồng dài hạn. “Ngành công nghiệp này đang ở một giao điểm tới hạn: sau nhiều thập kỷ không được đầu tư đúng, nó cần phải gia tăng quy mô sản xuất một cách đáng kể với tốc độ nhanh hơn”, theo thông cáo báo chí của hiệp hội.
Để hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa, ngân hàng EIB sẽ điều chỉnh các tiêu chí đủ điều kiện của mình để các hoạt động bị loại trừ được xác định chính xác hơn và giới hạn phạm vi hơn, theo Sách Trắng. Các quốc gia thành viên EU từng kêu gọi EIBxem xét lại các quy tắc đối với việc tài trợ cho thiết bị quân sự thuần túy.
Ủy ban châu Âu cũng cho biết, “mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ rất mạnh mẽ” và quan trọng với quốc phòng châu Âu. Họ cũng cho rằng cần tìm hiểu các cơ hội hợp tác công nghiệp quốc phòng với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Nguồn: sciencebusiness.net
Bài đăng KH&PT số 1338 (số 14/2025)