Từ năm 2022, 100% nhiệm vụ KH&CN của tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện thông qua tuyển chọn, đấu thầu rộng rãi, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng.

Toàn cảnh buổi làm việc tại Hà Tĩnh ngày 28/6. Ảnh: BHT
Toàn cảnh buổi làm việc tại Hà Tĩnh ngày 28/6. Ảnh: BHT

Chiều 28/6, đoàn công tác Bộ KH&CN do Thứ trưởng Trần Hồng Thái dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, nhấn mạnh: Công tác quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều đổi mới: từ xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp; thẩm định, phê duyệt dự toán và thuyết minh; đánh giá, nghiệm thu; tổ chức giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu gắn với việc triển khai nhiệm vụ với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức ứng dụng.

Đặc biệt từ năm 2022, 100% nhiệm vụ được thực hiện thông qua tuyển chọn, đấu thầu rộng rãi, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ có nhiều kết quả nổi bật: Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.900 đối tượng sở hữu công nghiệp được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, tăng hơn tám lần so với năm 2015. Trên địa bàn tỉnh có 16 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu cộng đồng; sáu sản phẩm đang được triển khai hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, trong đó có hai sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Bưởi Phúc Trạch và Nhung hươu Hương Sơn.)

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được quan tâm: Sở KH&CN đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho sáu đơn vị trong tỉnh. Có ba doanh nghiệp đã hình thành và phát triển Quỹ khoa học công nghệ của riêng mình, bao gồm Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh.

Ở Hà Tĩnh hiện có 19 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó có 15 tổ chức cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ, một đơn vị đại diện sở hữu công nghiệp; một sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tỉnh Hà Tĩnh; và hai khu không gian làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đơn vị này đang góp phần hỗ trợ khai thác thông tin kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và thương mại hóa kết quả vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái và các thành viên đoàn đã đến kiểm tra mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất hoa lan hồ điệp trên địa bàn xã Thạch Khê (Thạch Hà).
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái (bìa trái) và các thành viên đoàn đã đến kiểm tra mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất hoa lan hồ điệp trên địa bàn xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà. Đây là một dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ. Mô hình có diện tích 2.500 m2, do Công ty TNHH Trí Đức Hà Tĩnh thực hiện từ cuối năm 2022, có tỷ lệ tự động hóa cao như tự động đo (bằng cảm biến) và điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm không khí, độ ẩm giá thể theo thông số tiêu chuẩn kỹ thuật v.v. Ảnh: BHT

Giai đoạn 2020 đến nay, Sở KH&CN đã chỉ đạo thực hiện hai nhiệm vụ cấp Nhà nước thuộc Chương trình Quỹ gen; 11 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 87 đề tài, dự án cấp tỉnh với nhiều kết quả nổi bật, chẳng hạn:

- Trong lĩnh vực Y dược:đã tập trung nghiên cứu các loài thảo dược có khả năng hạn chế một số bệnh ung thư thường gặp; ứng dụng biện pháp “Yoga trị liệu Việt Nam” để phục hồi chức năng cho bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não; tiếp nhận và duy trì các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong y học như: phẫu thuật nội soi khớp vai, khớp gối, ổ bụng; phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng nhân tạo; chụp và can thiệp động mạch vành; đặt máy tạo nhịp tim; điều trị hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai bằng phẫu thuật nội soi; mở thông dạ dày ở bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn; chụp - can thiệp động mạch vành qua da; cắt tử cung hoàn toàn bằng phẫu thuật nội soi; thay huyết tương ở bệnh nhân viêm tụy cấp do tăng triglycerid…

Nhiều kết quả nghiên cứu về dược phẩm đã được thương mại hóa, sản xuất đưa ra thị trường, như: Viên ngậm thông phế, Viên nhuận tràng, Viên ích trí Hadiphar,…;

- Trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: đã tuyển chọn đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất chất lượng, phẩm cấp tốt, thích ứng rộng vào sản xuất, (bò máu ngoại, lợn siêu nạc, rau màu, giống lúa J02, BQ); hỗ trợ đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ cao sản xuất Lan Hồ điệp, Sâm Bố chính…; các giống tôm càng xanh, cá, ốc hương…

Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu và áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cây có múi; sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; công nghệ sản xuất trong nhà màng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT); thâm canh, nuôi tôm trong bể xi măng, ao bạt; cua, cá, ốc hương...

- Trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ:chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất rau quả, chế biến nông sản thực phẩm.

Nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng trong ngành giao thông vận tải, xây dựng như: công nghệ cào bóc gia cố và tái chế nguội tại chỗ; công nghệ lớp phủ vữa nhựa Polymer (công nghệ micro surfacing); công nghệ dán sợi cường độ cao FRP (Fiber Reinforced Polymer) trong sửa chữa gia cường cầu yếu; công nghệ mở rộng xà mũ trụ bằng bê tông cốt thép dự ứng lực trong thi công cầu; công nghệ sản xuất ống bê tông, gạch không nung và cấu kiện bê tông. Công nghệ chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời tiếp tục được duy trì và phát triển... Các sản phẩm như: trà sen, bột ngũ cốc, trà túi lọc (linh chi, cà gai leo,v.v), nấm sò muối, mít nấm, v.v được nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất và đưa ra thị trường.

- Trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, các kết quả nghiên cứu đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, điển hình là nghiên cứu các giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của di sản văn hóa làng Trường Lưu; các nghiên cứu về sách cổ Hoàng Hoa sứ trình đồ làm cơ sở khoa học để xây dựng Hồ sơ đăng ký xếp hạng Di sản Tư liệu Ký ức thế giới; các kết quả nghiên cứu về phát huy giá trị văn hóa người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập làm cơ sở để lãnh đạo tỉnh ban hành các quyết sách mới v.v

Kêu gọi đầu tư ngân sách nhiều hơn cho KH&CN

Bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh đồng thời chỉ ra rằng hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Năng lực KH&CN của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, thị trường KH&CN phát triển chậm; năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn thấp; và ngân sách Nhà nước đầu tư cho KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ông đề nghị Bộ KH&CN tăng ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cho tỉnh, và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho công tác quản lý thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Sở KH&CN Hà Tĩnh cũng đưa ra danh sách 13 chương trình, dự án liên quan hoạt động KH&CN, bao gồm các dự án về cây trồng, nguồn gen, công nghệ sinh học, nuôi trồng thủy sản, chỉ dần địa lý, tiêu chuẩn đo lường,v.v - với mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn từ phía Bộ KH&CN.

Ngoài ra, trong báo cáo của mình, đại diện Sở cũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ Hà Tĩnh các luận chứng khoa học để đề xuất Chính phủ, Bộ Chính trị chấm dứt "Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê" - vốn đã nằm trong danh sách các dự án trọng điểm của quốc gia nhưng không hiệu quả, chậm tiến độ và ảnh hưởng nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội của địa phương trong hơn 13 năm qua.

Đoàn cũng đã đến kiểm tra dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurz).
Đoàn cũng đã đến kiểm tra dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurz)do Công ty TNHH Bio Green STC chủ trì thực hiện từ đầu năm 2024. Đây là dự án làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân rộng các kết quả nghiên cứu, các mô hình khoa học có hiệu quả cao. Mô hình thử nghiệm có diện tích 1 ha theo tiêu chí GAP, dự kiến năng suất đạt 5 tấn/ha. Dự án có thể tạo tiền đề để mở rộng diện tích, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả ở Hà Tĩnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: BHT

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu, nghiên cứu, phối hợp với địa phương để sớm có phương án đề xuất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhằm giúp KH&CN của tỉnh phát triển. Đồng thời khẳng định, Bộ KH&CN luôn sẵn sàng phối hợp, đồng hành với tỉnh để triển khai các nhiệm vụ KH&CN, đổi mới sáng tạo để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Hà Tĩnh, sáng 28/6, đoàn công tác của Bộ KH&CN đã đi thăm hai dự án, mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh là mô hình sản xuất lan hồ điệp theo dõi bằng hệ thống IoT tự động, và mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính theo tiêu chí GAP.