Bằng những ghi chép được tập hợp lại từ những lần phỏng vấn Son, tác giả Onishi Takahiro (tạp chí Nikkei Business) cho chúng ta hiểu rõ hơn về con người được mệnh danh “vua đầu tư công nghệ”, lý tưởng của ông là gì, hay động lực nào đã thôi thúc ông dấn thân trên con đường kinh doanh, cũng như những thói quen và tác phong của ông.
Suốt cuộc đời sôi nổi và phi thường của mình, Son luôn hướng tới việc phát triển một thứ gì đó mới trong bối cảnh cả vòng đời lẫn thời gian ngự trị trên đỉnh cao của các công ty đang ngày càng ngắn lại. Ông thích nói về việc xây dựng một công ty có thể tồn tại tới 300 năm, thay vì chịu đầu hàng trước quy luật nghiệt ngã 30 năm.
Tầm nhìn này thực sự là rất xa xôi, nhưng một khi đã đề ra mục tiêu cụ thể nào đó, Son luôn bắt doanh nghiệp của mình phải thay đổi liên tục và thích ứng với các điều kiện mới. Bản thân ông, trong hơn 10 năm qua, không bỏ lỡ bất cứ một cuộc họp quý nào của SoftBank để nêu lên và giải thích tầm nhìn của mình về sự phát triển. Chưa hết, ông còn cho sử dụng một phần mềm xử lý ngôn ngữ để phân tích lại những bài phát biểu, nhằm nhận ra những thay đổi trong mối quan tâm của chính mình.
Masayoshi Son, tỷ phú tự thân, CEO của Tập đoàn SoftBank. Ảnh: Bloomberg
Theo cách ví von của tác giả Masayoshi Son: Tỷ phú liều ăn nhiều, nếu đặt đội hình lãnh đạo của SoftBank vào một đội bóng gồm 11 cầu thủ, thì Son tuyệt đối phải là tiền đạo với khả năng ghi bàn khủng khiếp (mặc dù chỉ cao 1,6 m), luôn đứng ở tiền tuyến, định đoạt trận đấu bằng những cú dứt điểm quyết định và hầu như không cần để ý tới phòng vệ. Thử hỏi mấy ai dù đã ở tuổi 60 nhưng hàng ngày vẫn đeo hai khối tạ vào chân để rèn luyện sức bền, sự dẻo dai và khả năng chịu đựng cho những thử thách sắp tới như Son?
Từ khởi điểm là một công ty tin học kinh doanh phần mềm, máy dịch ngôn ngữ điện tử (do ông sáng chế tại Mỹ ở tuổi 19), tạp chí tin học rồi internet, Son đã biến SoftBank thực sự trở thành một đế chế lớn nhất Nhật Bản với giá trị vốn hóa thị trường vượt qua người khổng lồ NTT Docomo (vốn nhận được sự bảo trợ của nhà nước) và tổng giá trị tài sản ước tính khoảng 24,6 nghìn tỷ Yen, cùng tầm ảnh hưởng bao phủ khắp toàn cầu.
Trong hành trình đạt tới vị thế như ngày hôm nay, đã có những thời điểm Son gần như trắng tay và SoftBank đứng trước nguy cơ sụp đổ. Năm 2000, thời kỳ đỉnh cao của bong bóng dot-com, tài sản của Son thậm chí đã có lúc chạm ngưỡng 76 tỷ USD (chỉ sau Bill Gates) nhờ đặt cược vào đường truyền, thiết bị và các dịch vụ trên nền tảng internet băng rộng tốc độ cao (broadband), biến Nhật Bản từ một nước có giá cước viễn thông đắt nhất trở nên cạnh tranh nhất, xóa bỏ thế độc quyền của NTT Docomo và KDDI … đồng thời đưa nước này về đích sớm nhất trong cuộc đua 3G.
Nhưng ngay khi bong bóng vỡ, cổ phiếu của SoftBank lao dốc, Son trở thành người mất tiền nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, khi chỉ trong 2 năm 2000 và 2001, gia tài của ông bay mất 74,9 tỷ USD và sụt giảm từ mức 76 tỷ USD xuống còn chỉ 1,1 tỷ USD. Thế nhưng, sau cú sốc ấy, Son vẫn kiên trì đầu tư vào các công ty công nghệ, và dường như sau mỗi lần vấp ngã, vượt qua những cuộc khủng hoảng đầy cam go, Son và SoftBank lại trở nên hùng mạnh hơn.
Nhưng cuộc đời của Son không chỉ dừng lại ở những cuộc đầu tư mạo hiểm, những nỗ lực không ngừng nghỉ hay những phát ngôn ngông cuồng theo kiểu “Người có thể sử dụng thiên tài, chỉ mình tôi mà thôi”, mà đó còn là một cuộc rượt đuổi, săn lùng các sáng chế và hoạt động cách tân với một tinh thần doanh nhân mang đậm bản sắc samurai, đầy lòng tự tôn và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Cuối cùng, khi so sánh Son với Matsushita Konosuke – ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật, người được xem là vị anh hùng nhân dân duy nhất của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất - tác giả Takahiro cho rằng, dù mang trong mình mối mâu thuẫn lớn – một khi nghĩ rằng mình đang quá tự tin, Son ngay lập tức sẽ tự vấn lại bản thân; và mặc dù đã ở vào vị thế của một người khổng lồ đích thực trong giới công nghệ, nhưng bản thân Son luôn nghĩ rằng mình quá nhỏ bé – vị CEO của SoftBank vẫn nhắm tới việc trở thành một anh hùng. Và tự cổ chí kim, bất kể quy mô lớn nhỏ ra sao, một xã hội có nhiều người hướng đến việc trở thành anh hùng thì thường đều tràn đầy sinh khí.